'Cát sông Hồng đẹp như gái 18, luôn bị cát tặc dòm ngó'
Ngày 8-12, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông. Nội dung này được chọn chất vấn do thời gian qua tình trạng khai thác cát trái phép tại sông Hồng diễn ra khá nhức nhối. 'Cát tặc' gây sạt lở bờ đê, việc vận chuyển vật liệu quá tải phá nát nhiều tuyến đường giao thông, khiến nhân dân bức xúc…
Tình trạng khai thác cát nhức nhối
ĐBDương Thị Hằng (Gia Lâm) dẫn thực trạng khai thác cát trái phép xảy ra tại xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ) nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý triệt để. “Đề nghị Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết biện pháp xử lý tình trạng này. Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết trách nhiệm chính quyền địa bàn khi tình trạng này diễn ra” - ĐB Hằng chất vấn.
Cùng nội dung, ĐB Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng và Trưởng Công an huyện này làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng của huyện này.
ĐB Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân). Ảnh: TP
Còn ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) chỉ rõ TP còn 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước. “TP đã có quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh, nhưng đến nay việc thực hiện còn nhiều hạn chế, đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết nguyên nhân, giải pháp xử lý?” - ông đặt câu hỏi.
Cát sông Hồng đẹp, nên bị 'cát tặc' dòm ngó
Tham gia trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ) cho hay, cát sông Hồng trên địa bàn "đẹp như cô gái tuổi 18" nên thường xuyên bị cát tặc nhòm ngó, khai thác trái phép, khiến người dân bức xúc, chính quyền cũng rất áp lực…
Cao điểm nhất là giai đoạn 2018-2019, có lúc có khoảng 10 tàu hút cát hoạt động cả ngày đêm. Sau khi chính quyền vào cuộc xử lý đến cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát cơ bản chấm dứt. Nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến, khai thác trộm vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 1-2 tàu cuốc.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ) . Ảnh: TP
"Cát tặc khai thác 1 - 2 ngày lại nghỉ, và việc khai thác cát giữa dòng sông Hồng, công an huyện và xã không được trang bị lực lượng và phương tiện chuyên dụng để có thể ngăn chặn triệt để” - ông Tín nói. Ông Tín cho biết, xã muốn xin một tàu cao tốc, lực lượng chuyên dụng để xử lý cát tặc. Còn nếu không được thì Công an TP cho lực lượng công an giao thông chốt trực tại đây để ngăn chặn triệt để cát tặc.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết TP có 7 tuyến sông (giáp ranh với 8 tỉnh) thường xuyên có các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Ngoài ra, một số đối tượng cũng thường xuyên lợi dụng đêm tối, thuê người cảnh giới từ xa để khai thác cát trái phép.
Đối với 13 điểm khai thác cát trái phép được nêu là các điểm phức tạp. CATP kiến nghị Sở GTVT phối hợp kiểm tra các tàu chưa đăng kiểm. Ngoài ra, công an đã có 25 kiến nghị đối với các Sở, quận, huyện xem xét xử lý dứt điểm đối với các bến bãi không phép. Cùng đó là tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh. CATP cũng đề nghị Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm.
Ông Tùng cho biết, tới đây ngoài lực lược cảnh sát môi trường, giao thông, công an các quận huyện thì CATP sẽ giao lực lượng công an chính quy ở xã là lực lượng nòng cốt, trọng tâm để đấu tranh với cát tặc.
Không để tình trạng bảo kê 'cát tặc'
Trả lời chất vấn nội dung này, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cho biết, thời gian tới đơn vị này cùng với các ngành của TP tiếp tục quản lý và hậu kiểm giấy phép khai thác. "Với các trường hợp sai phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định", ông Đông khẳng định.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận thời gian qua có tình trạng khai thác cát trái phép dựa trên những kẽ hở phát luật, buông lỏng quản lý. Về việc này, TP đã có kế hoạch để việc khai thác cát, sỏi đi vào nền nếp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để khắc phục các điểm khai thác trái phép tồn tại do lịch sử để lại, TP khoanh vùng, giữ không để phát sinh, trên cơ sở đó phân loại xử lý, vừa có lý có tình, đảm bảo ổn định cho DN, người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: TP
“TP yêu cầu giữ nguyên hiện trạng các bãi tập kết hiện có, yêu cầu các bãi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm môi trường. Đồng thời, TP cũng tiến hành kiểm tra triệt để các bãi, nếu có vi phạm thì tiến hành xử lý nghiêm. Đối với các bến, bãi mới mở, TP kiên quyết đóng cửa hoặc điều chỉnh mục đích sử dụng” - ông Hùng nói.
Về các điểm mỏ của TP, ông Hùng khẳng định tất cả các điểm mỏ phải tiến hành đấu thầu để quản lý. Vừa qua TP đã giao Sở TN&MT khảo sát, đánh giá 23 điểm mỏ đủ điều kiện để khai thác để đưa ra đấu thầu nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau. Và nếu thực hiện đấu giá khai thác cát thì phải công khai, minh bạch, xin ý kiến cộng đồng cư dân ở nơi đó, người dân ở khu vực điểm mỏ phải được hưởng quyền lợi.
“Với các mỏ hết hạn khai thác, sẽ không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, nếu có thì phải tổ chức đấu thầu, chứ không gia hạn khai thác. TP cũng giao trách nhiệm cho Công an TP xử lý việc khai thác cát trái phép dọc bờ sông. Hà Nội cương xử lý quyết tình trạng khai thác cát trái phép, không có tình trạng bảo kê cát tặc. Thậm chí, Công an TP Hà Nội đã bắt cát tặc, phạt tù” - ông Hùng nói.