Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Vĩnh Phúc giải trình hàng loạt vấn đề như chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (Tam Đảo) để xây dựng công viên nghĩa trang; công tác quản lý khai thác khoáng sản yếu kém gây bức xúc...
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc được giao 760 nhiệm vụ, đã hoàn thành 637 nhiệm vụ, còn 121 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn...
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh giải trình, làm rõ về sáu vấn đề.
Đáng chú ý, theo tổ công tác, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Vĩnh Phúc còn nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng khai thác cát sỏi trên các dòng sông chảy qua địa bàn tỉnh diễn ra ngang nhiên tại địa bàn xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đất nông nghiệp bị cuốn trôi, ảnh hưởng hệ thống đê kè, đe dọa sự an nguy của hệ thống đê điều, gây bức xúc cho nhân dân.
Cạnh đó, các công trường khai thác tài nguyên trái phép vẫn diễn ra công khai, một số khu vực đồi núi bị băm nham nhở, nhiều khu vực bị xâm phạm, khiến một lượng lớn đất đai bị tàn phá.
Ông Lục cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thường xuyên xảy ra xung đột giữa các doanh nghiệp, người dân gây mất trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, liên quan đến bờ kè Trung Hà được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ kè, đe dọa đến khu dân cư.
“Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý kịp thời hành vi khai thác tận thu trái phép ảnh hưởng đến đê kè, đe dọa đến sản xuất, sinh hoạt của người dân” - ông Lục nói.
Báo cáo với tổ công tác, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Khước cho biết trước năm 2013, việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô diễn ra thường xuyên, tình trạng cát tặc bắn nhau với người dân, tranh chấp vị trí khai thác, khiến trật tự trên địa bàn diễn biến rất phức tạp.
“Họ đem cả tổ chức ở Hải Phòng lên đánh nhau với người dân, bắn súng hoa cải gây thương tích cho người dân” - ông Khước nói và cho biết tình trạng này đến nay không còn.
Liên quan đến việc sạt lở đất tại xã Đôn Nhân, theo ông Khước, nguyên nhân bước đầu được xác định do đây là khu vực bờ sông có kết cấu đất yếu, bờ rời, bên dưới chủ yếu là lớp đất cát, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy. Thời gian cuối tháng 2 đầu tháng 3 có hiện tượng xả nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng sạt lở...
Cũng theo ông Khước, tại vị trí này, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông, tuy nhiên quá trình thực hiện dự án thì quá trình sạt lở vẫn diễn ra ngay khu vực đầu kè đã bị sạt lở gần 6.500 m3 đất.
Giải trình về việc khai thác cát tại xã Trung Hà, ông Khước cho biết tỉnh đã cấp phép cho Công ty Hoàng Phát. Ngày 11-5-2017, ông Đỗ Văn Giáp, cựu chiến binh, có đơn khiếu nại việc Công ty Hoàng Phát khai thác cát sỏi gây sạt lở. Qua thanh thanh tra, xác minh, nguyên nhân bước đầu xác định không phải do Hoàng Phát gây ra...
Ông Khước cho biết UBND xã Trung Hà ký hợp đồng với hai hộ dân lập bến nuôi trồng thủy sản. Hai hộ này thực tế tập kết cát sỏi về đây để bán. Để có đường vào hai bến này, họ có đào luồng cho tàu vào. Từ việc UBND xã ký hai hợp đồng và thực hiện không đúng hợp đồng khiến người dân bức xúc, đổ lỗi cho Công ty Hoàng Phát... Khi ông Giáp làm đơn có mời nhiều báo chí về viết bài, đến thời điểm này, ông Giáp lấy lý do “do nhận thức và hiểu lầm” đã xin rút lại đơn kiến nghị. Sở đã kiểm tra và yêu cầu UBND xã chấm dứt hợp đồng đối với hai hộ kinh doanh trên.
“Kiểm tra trực tiếp hoạt động của Công ty Hoàng Phát, công ty này khai thác trong ranh giới đã được cấp phép. Ông Giáp và báo chí phản ánh công ty khai thác sát chân kè nhưng thực tế họ khai thác cách chân kè đúng theo giấy phép là 80 m”- ông Khước nói.