Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “nhặt” được bé Chiến Thắng, nét mặt bà Đinh Thị Nhộn (xóm Ưng, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vẫn thoáng vẻ sợ sệt: “Khoảng gần 12h trưa hôm 29/4/2013, khi tôi đang hái ít rau rừng về cho lợn, ngay gần khu rừng ma (làng có một khu rừng ma, ngay bản thân bà Nhộn cũng không biết nó có từ khi nào, chỉ biết rằng người dân bản chẳng ai dám bén mảng đến). Bất chợt, tôi nghe có tiếng trẻ con khóc vọng ra từ khu rừng. Sợ hãi tôi cuống cuồng bỏ chạy. Nhưng khi chạy được vài mét, tôi lắng tai nghe lại thì đó đúng là tiếng khóc của trẻ con thật”.
Đinh Chiến Thắng đứa trẻ bị đồn là ma rừng vì khi sinh ra bị bỏ rơi tại khu rừng ma.
Thoáng chút băn khoăn vì âm thanh đó lại phát ra từ khu rừng ma, nhưng bà cũng nhanh chóng trấn tĩnh lại rồi mạnh bạo bước chân vào khu rừng cấm. Đi mãi, đi mãi, bất ngờ bà thấy có những vết máu vương vãi trên những đám cỏ quanh khu rừng.
Lần theo những vết máu, bà Nhộn thấy một cái hang nhỏ, trước cửa hang có nhiều vết máu tanh cùng với một số mảnh vải dính máu còn vương vãi. Khi đang phân vân còn chưa biết chuyện gì, bà Nhộn lại nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc… rồi im bặt. Đoán có người vừa đẻ rơi, hay vừa vứt một đứa trẻ nào đó ở gần đây bà Nhộn nhìn sâu vào trong hang đá, thấy một bọc gì đó đen đen, cựa quậy. Nhận thấy đó đúng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, bà định chạy về nhà tìm người đến giúp, nhưng sợ nếu về đứa trẻ sẽ bị con gì đó ăn thịt mất. Nghĩ thế bà cố gắng kéo đứa trẻ ra khỏi hang. Đứa bé bắt đầu khóc to hơn khiến bà mừng rơi nước mắt.
Do đứa trẻ mới sinh, lại được bà Nhộn lôi ra từ trong hang đá. Vì thế, mặt mũi đứa trẻ bị trầy xước, bầm tím, một chân bên trái bị gãy, và rốn đứa trẻ lúc đó vẫn còn chưa được cắt… vì thế bà Nhộn đưa đứa bé đến trạm xá trong sự ngỡ ngàng của các y bác sĩ. May mắn, bé được cá bác sĩ sơ cứu và cắt rốn và sống sót.
Sự việc sau đó được báo cáo lên UBND xã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đinh Trọng Thực – bí thư xã Phú Vinh. Mẹ cháu bé nhanh chóng được xác định là một người phụ nữ trên địa bàn xã. Vì một phút bồng bột của tuổi trẻ nên đã trót dại để rồi mang hậu quả. Khi cái thai đến ngày sinh nở, vì sợ xấu hổ nên cô gái đành tự vào khu rừng ma sinh nở một mình, rồi vứt lại đứa trẻ trong hang đá. Cô gái này nhất định không nhận lại đứa con tội nghiệp mà mình đã đẻ rơi tại khu rừng.
Khu "rừng ma" nơi bà Nhộn đã nhặt được bé Chiến Thắng.
Sự thật về đứa bé mang tên “thần chết”
Theo quan niệm, của họ thì những đứa trẻ “bị” đẻ rơi sẽ không mang lại may mắn. Đặc biệt nó lại được sinh ra vào đúng thời điểm 12h trưa ngay tại khu rừng ma. Vì vậy họ càng tin rằng đứa trẻ là sự hiện thân của các linh hồn lang thang.
May mắn cho bé Chiến Thắng, tình cờ hôm đó chị Định Thị Nhung một người cùng làng, sống một mình dù đã ngoài 50 tuổi biết câu chuyện về đứa bé bị bỏ rơi nên đến trạm xá và xin làm thủ tục được nhận cháu về nuôi. Hồ sơ nhanh chóng được hoàn thiện, chị Nhung hạnh phúc ẵm đứa con nhỏ về nhà và đặt tên bé là Đinh Chiến Thắng.
Bà Đinh Thị Nhộn diễn tả lại động tác cứu bé Chiến Thắng từ trong hang đá.
Chỉ một thời gian sau, không hiểu thông tin từ đâu mà người nhà của Nhung và một số người ở làng cho rằng bé Chiến Thắng chính là con ma rừng. Ác độc hơn, chính em trai của chị Nhung còn đòi đuổi và mang đứa trẻ vứt đi nơi khác. Được biết, thông tin đồn thổi bé Chiến Thắng chính là ma rừng xuất phát từ chính em trai của chị Nhung là Đinh Công Tứa. Tứa tạo áp lực buộc chị gái mình phải từ bỏ đứa trẻ bị đẻ rơi tại khu rừng ma.
Chính vì những áp lực ấy đã khiến chị Nhung phải nhập viện điều trị. Thế nhưng, dù đau ốm, dù khó khăn nhưng chị quyết không từ bỏ đứa con của mình.
Ông Đinh Trọng Thực, Bí thư xã Phú Vinh cho biết, câu chuyện đồn thổi về bé Chiến Thắng là ma rừng trên địa bàn là có thật. Nhưng đó chính là âm mưu của Tứa. Do Tứa không muốn chị gái mình nhận con nuôi vì muốn giành phần tài sản của chị sau này. Sự việc sau đó đã được chúng tôi làm sáng tỏ, hiện nay bé Chiến Thắng đã có một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy bên gia đình mới của mình.
Theo kenh 14