Chánh án Nguyễn Hòa Bình ví dụ về vụ án Út 'trọc'

Ngày 28-3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đến thăm và làm việc với Tòa án quân sự Quân khu 5. 

Báo cáo tại đây, Đại tá Lê Việt Dũng, Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 5, cho biết năm 2018, đơn vị này đã thụ lý 36 vụ/82 bị can, bị cáo; giải quyết 34 vụ/79 bị cáo. 100% các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời gian luật định.

Đại tá Lê Việt Dũng, Chánh án Tòa án QSQK 5 báo cáo tại buổi làm việc.

Đại tá Lê Việt Dũng cho biết các quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng được đảm bảo theo tinh thần cải cách tư pháp; phán quyết của hội đồng xét xử căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa và quy định của pháp luật. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. 

"Các bản án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm. Hoạt động xét xử đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, địa phương trên địa bàn"- Đại tá Dũng cho hay.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Tòa án quân sự Quân khu 5 đã đạt được trong công tác xét xử, tham mưu cho Đảng ủy – Bộ Tư lệnh quân khu giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, Bí thư Trung ương Đảng, phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, số lượng các vụ án quân đội tuy ít nhưng chất lượng xét xử tốt, chỉn chu, đảm bảo đúng người, đúng pháp luật, đúng thời hạn tố tụng, không có oan sai. Ông cũng hoan nghênh sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Quân khu 5 trong công tác chuyên môn, tuyên truyền pháp luật và tham mưu cho Bộ Tư lệnh.

Nói về một số hạn chế chung của các tòa án quân sự, Chánh án TAND Tối cao cho rằng việc giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự còn chưa nhuần nhuyễn, chưa được quan tâm. “Trách nhiệm bồi thường, kê biên, tịch thu tài sản, thu hồi tài sản..., các phần này trong các vụ án trong khối quân sự chưa triệt để. Đây là phần dễ bị kháng nghị, bên ngoài cũng thế mà quân đội cũng vậy. Phần hình sự các đồng chí làm rất nghiêm rồi nhưng phần trách nhiệm dân sự còn chưa thật chú ý” – Chánh án Bình nói.

Cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng việc duy trì những phiên tòa có tranh tụng trong khối quân sự thường chưa tốt, đôi khi còn lúng túng khi tranh tụng với luật sư. “Khi phải đối mặt với vụ án phi truyền thống, có tính chất phức tạp thì chúng ta còn chưa có kinh nghiệm. Vừa rồi chúng ta giải quyết vụ Út “trọc”, đây là một phiên tòa cũng lớn nhưng chưa phải lớn lắm. Phần sau của vụ Út “trọc” là đất cát, cổ phần, cổ phiếu… mới là lớn. Rồi tội phạm công nghệ cao trong tương lai có thể sẽ xuất hiện. Do đó, chúng ta cần bồi dưỡng thêm kiến thức để sẵn sàng ứng phó khi phải đối mặt” - Chánh án Bình lưu ý thêm.

Được biết, sau chuyến làm việc với các tòa án quân sự địa phương, TAND Tối cao sẽ có buổi làm việc với Quân ủy Trung ương để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, đề ra các chủ trương lớn đối với hệ thống tòa án quân sự trong thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.