Đặt tại con hẻm nhỏ 660 đường Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10, TP.HCM, nồi cháo thịt bằm miễn phí của chị Linh đã trở nên quen thuộc đối với những người nghèo nơi đây, đặc biệt là các cụ già.
Những suất cháo tiếp sức cuộc mưu sinh
Đều đặn 14 giờ mỗi ngày, người đi đường có thể nhìn thấy hình ảnh một người phụ nữ còn khá trẻ tuổi ngồi lụi cụi bên cạnh nồi cháo còn đang bốc khói nghi ngút ngay đầu con hẻm, bên cạnh là tấm bảng với dòng chữ màu đỏ “Cháo thịt bằm miễn phí”.
Hằng ngày ngồi bán nước trước hẻm, chị thường xuyên nhìn thấy nhiều người nghèo qua lại, đó có thể là những cụ già vất vả bán vé số để mưu sinh, những người phụ nữ cực nhọc đẩy xe thu mua ve chai hoặc những bệnh nhân từ dưới quê lên TP khám bệnh. Chị cũng chứng kiến những bữa cơm qua loa, vội vã của họ, có khi chỉ là cái bánh chưng hay ổ bánh mì tạm lót dạ. Niềm thương cảm thôi thúc nên đầu tháng 7-2016, chị Linh đã thực hiện ý tưởng nấu và phát những suất cháo thịt bằm miễn phí nhằm tiếp sức họ trong cuộc mưu sinh.
Tầm 12 giờ trưa, chị tranh thủ vào bếp bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để nấu cháo như ngâm gạo, băm nhỏ thịt, thái hành... Đến 14 giờ, chị đặt nồi cháo thịt thơm ngon trước hẻm kèm theo tấm bảng nhỏ “Cháo thịt bằm miễn phí”. Chị bảo: “Ngày nào cũng nấu rồi riết thành thói quen, cực thì có nhưng đổi lại có niềm vui. Hễ bữa nào nghỉ là tay chân rảnh rỗi chịu không nổi”.
Sở dĩ chị chọn nấu cháo miễn phí thay vì đặt thùng bánh mì hoặc phát cơm từ thiện vì: “Đa số những người khó khăn đều là các cô chú lớn tuổi, nếu là bánh mì thì khá khô và cứng. Vì thế những suất cháo nóng hổi sẽ làm họ cảm thấy dễ ăn hơn”.
Chị Linh hy vọng sẽ tiếp tục nấu cháo cho người nghèo. Ảnh: MINH TÂM
Lan tỏa sự tử tế
Giờ đây, “Cháo thịt bằm miễn phí” của chị đã trở thành một địa chỉ rất quen thuộc, phục vụ hàng trăm suất ăn cho người nghèo. Cô Từ Bình (64 tuổi, quận 10) là một khách quen của “Cháo thịt bằm miễn phí”. Khi lấy suất cháo cho mình, cô Bình luôn nhớ chuẩn bị thêm 2-3 phần cho những cụ già khác trong xóm. Cô Bình chia sẻ: “Những phần cháo này là món quà lớn với những người già yếu như cô. Cô đã lấy cháo ở đây hơn một tháng, nhiều lần được cô Linh giúp đỡ như vậy thật là quý. Thay vì dùng hộp nhựa ở đây, cô thường tự mang hộp nhựa đến để đựng cháo, coi như cách tiết kiệm và trả ơn cô Linh vậy”.
Có khoảng thời gian vì bận công việc hoặc mệt mỏi trong người nên chị không thể nấu. Nhiều người nghèo tìm đến xin cháo miễn phí nhưng không có, chị cảm thấy áy náy và thương họ nhiều hơn. Từ đó, chị tự nhủ với lòng dù thế nào cũng phải cố gắng thu xếp nấu cháo để người nghèo có được bữa ăn ngon.
Thương mẹ nấu cháo một mình vất vả, bé Ngọc Nhi (con gái chị) cũng tranh thủ phụ giúp mẹ sau giờ học. “Thời gian đầu múc cháo, phát cháo từ thiện em cũng thấy ngại ngại nhưng từ từ cũng quen dần. Bởi hôm nào không nấu cháo mà có người nghèo đến hỏi, thấy họ đói bụng rời đi giữa trưa nắng, tự dưng thấy thương họ lắm!”.
Tấm lòng tử tế của chị đã lan tỏa đến mọi người xung quanh. Một số cô chú trong xóm cũng xin góp sức cùng chị. Có người góp thêm vài ba chục ngàn đồng, có người góp thêm chục ký gạo, có người góp thêm cân thịt, mớ rau củ để chị có thể nấu được nồi cháo thơm ngon và chất lượng hơn.
Là người hàng xóm thân thuộc cũng là người thường xuyên ăn cháo của chị Linh từ khi nồi cháo được đặt trước hẻm, ông Nguyễn Văn Hải xúc động chia sẻ: “Từ lúc cô Linh để nồi cháo miễn phí là tui được nhờ tới giờ. Tui tiết kiệm được rất nhiều chi phí sinh hoạt hằng tháng vì làm bảo vệ cũng chỉ kiếm được vài đồng ra đồng vào. Cháo cô Linh nấu ngon lắm!”.
Chị Linh chia sẻ thêm nếu có thêm điều kiện và có sức khỏe chị sẽ tiếp tục nấu cháo để người nghèo có thêm những bữa ăn miễn phí, chia sẻ và giúp họ một phần nào đó trong cuộc sống. Qua đó giúp họ vơi đi những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh.
Nhìn những người nghèo có được bữa ăn ngon mỗi ngày là niềm vui của chị Linh. Chị Linh nói đùa với con mình: “Nồi cháo thịt tính ra chi phí cũng chẳng bao nhiêu mà niềm vui nhận lại thì quá nhiều. Thôi thì mình nghèo, có ít thì giúp ít nha con”. |