Chế độ nghỉ ốm bình thường khác nghỉ dài ngày như thế nào?
Bạn đọc Thanh Chương (Quận 2, TP.HCM)
Trả lời vấn đề trên, đại diện BHXH TP.HCM cho biết bệnh ốm dài ngày là những bệnh có trong danh mục bệnh dài ngày theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT. Bệnh thông thường là những bệnh không có trong danh mục bệnh dài ngày theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT.
Nếu ốm đau phải nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trong tháng trở lên thì tháng đó người lao động không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Riêng BHYT sẽ do Quỹ BHXH hỗ trợ tiền đóng BHYT để người lao động có thẻ BHYT trong thời gian điều trị bệnh. Nghỉ ốm đau thường sẽ được nghỉ tối đa 30, 40, 60 ngày tùy thời gian đã đóng BHXH.
Nghỉ ốm bệnh dài ngày được nghỉ tối đa 180 ngày hưởng chế độ BHXH chi trả tỉ lệ 75%, sau 180 ngày sẽ giảm tỉ lệ hưởng theo số năm đóng BHXH và thời gian hưởng thêm tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH. Tức nếu thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm thì hưởng 50%, từ 15 năm đến dưới 30 năm mức hưởng sẽ là 55%, từ 30 năm trở lên hưởng 65%.
Bị tai nạn giao thông ngoài giờ vẫn hưởng chế độ ốm đau?
Vừa rồi công ty tôi có một người lao động bị tai nạn giao thông ngoài giờ làm việc. Vụ tai nạn khiến người lao động này bị chấn thương sọ não dẫn đến xuất huyết não. Xin cho hỏi, trường hợp này có được hưởng chế độ ốm đau không? Nếu được thì có nằm trong trường hợp danh mục bệnh dài ngày hay không?
Bạn đọc có địa chỉ mail thienhuong… @yahoo.com
Theo thông tin từ BHXH TP.HCM, trường hợp người lao động có tham gia bảo hiểm mà bị tai nạn giao thông ngoài giờ làm việc từ nơi làm việc về nhà và ngược lại mà không may bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não phải điều trị dài ngày thì căn cứ theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày trong Thông tư 46/2016/TT-BYT, bệnh này có số thứ tự bệnh 129 và sẽ được nghỉ thanh toán trợ cấp ốm bệnh dài ngày.