Ngày 14-12, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ bổ sung thêm gần 900 chuyến bay, tương ứng hơn 185.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng đường bay nội địa trong dịp cao điểm tết Nguyên đán lên đến hơn 1,6 triệu ghế, tăng khoảng 13% so với thường lệ và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016.
Hãng hàng không Vietjet Air cũng mở bán hơn 1,5 triệu vé máy bay dịp tết. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho biết trong giai đoạn tết Nguyên đán 2017, hãng cung ứng trên 18.000 chỗ/ngày để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Lo ngại tắc nghẽn
Theo ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, vào các ngày cao điểm tết Nguyên đán sẽ có khoảng 750 chuyến bay/ngày, có khi đạt 800 chuyến bay/ngày, tức trên 120.000 lượt hành khách/ngày.
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết trong năm 2016, lượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất trong 10 ngày cao điểm dịp tết ước tính khoảng 1 triệu người. “Vừa qua sân bay phối hợp bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng và thực hiện nhiều biện pháp thì ùn tắc ở khu vực sân bay này đã giảm. Tuy nhiên, trong dịp cao điểm tết sắp tới, đặc biệt trước và 10 ngày sau tết Nguyên đán, khi lượng khách tăng đột biến thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tái diễn.
“Ngoài ra, qua việc điều chỉnh slot (điều phối giờ cất - hạ cánh tại sân bay) đã tăng hiệu quả khai thác sân bay, giảm đáng kể việc chậm, hủy chuyến và tiếp tục cố gắng điều phối các chuyến bay vào giờ thấp điểm, trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau nhằm giảm ùn tắc cho sân bay” - vị đại diện này nói.
Trao đổi về kế hoạch điều phối các chuyến bay dịp tết, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết trước mắt Cục đã thành lập ban chỉ đạo công tác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017.
Phương án mở đường song song đường Cộng Hòa ra đường Trường Chinh
Lập điểm trung chuyển, check-in bên ngoài
Cảng vụ hàng không miền Nam cũng cho biết đã có một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trước tiên, hội đồng điều phối slot Cục Hàng không Việt Nam cần xem xét điều chỉnh slot phù hợp với năng lực đáp ứng của sân bay trong các khung giờ cụ thể, điều phối vào các khung giờ còn thấp, tránh các khung giờ tan tầm nhằm đảm bảo kết nối giao thông TP.HCM với sân bay luôn được thông suốt.
Cảng vụ hàng không miền Nam còn đề xuất UBND TP.HCM bố trí quỹ đất để xây dựng các trạm trung chuyển tại Công viên Gia Định và Công viên Hoàng Văn Thụ. Tại đây, các dịch vụ cần thiết như nhà chờ, bãi đậu xe, làm thủ tục check-in, dịch vụ ăn uống… đều có đủ. Ngoài ra, TP.HCM cần đầu tư hệ thống xe điện, xe buýt nhanh đi/đến sân bay ra các điểm trung chuyển để giải phóng nhanh hành khách và tránh ùn tắc khu vực sân bay. Việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân sử dụng xe buýt ra vào sân bay để giảm bớt lượng taxi cũng cần được quan tâm.
“Về phía sân bay, Bộ Quốc phòng đã thống nhất giao cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam khai thác 21 ha sân đỗ quân sự để mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng thêm một nhà ga hành khách lưỡng dụng nhằm giảm tải cho nhà ga hiện hữu. Theo tính toán sẽ mở thêm các đường dân sinh kết nối từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám và Phạm Văn Bạch vào sân bay Tân Sơn Nhất” - vị này nói.
Bay đêm tốt sẽ chống ùn tắc Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đều đánh giá việc giãn giờ bay là một giải pháp rất tốt để giảm ùn tắc, giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất. “Hiện hãng đã tổ chức bay từ 0 giờ 5 phút đến 23 giờ mỗi ngày. Rất nhiều chuyến bay quốc tế đã được tổ chức bay vào ban đêm” - hãng Vietnam Airlines. Tương tự, các hãng còn lại cũng đã tổ chức bay 24/24 giờ. Đại diện các hãng hàng không này cũng cho hay đã giảm giá các khung giờ bay đêm để thu hút cũng đã được triển khai, trong đó các hãng Vietjet Air và Jetstar Pacific có nhiều chương trình khuyến mãi như bay 0 đồng, 79.000 đồng/chặng… cho các chuyến bay đêm. “Tuy nhiên, việc bay đêm hiện vẫn chưa hiệu quả cao. Khách bay đêm chủ yếu là khách quốc tế. Khách quốc nội vẫn thường chọn bay vào khung giờ vàng dù chúng tôi có nhiều ưu đãi để khuyến khích bay đêm” - đại diện một hãng hàng không nói. Chuyển máy bay về nơi khác khi Tân Sơn Nhất quá tải Theo một chuyên gia hàng không, để giảm thiểu ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại có hai biện pháp. Thứ nhất, hạn chế tăng trưởng đội máy bay của các hãng mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Hãng nào đã có số lượng máy bay đủ đáp ứng nhu cầu của hành khách thì hạn chế tăng trưởng số lượng và ngược lại. Thứ hai, tiến hành giãn giờ bay nhưng Nhà nước phải giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận cho các hãng. Riêng việc dời máy bay về sân bay Cần Thơ để giảm ùn tắc tại Tân Sơn Nhất, đại diện hãng Vietjet Air cho biết: “Khi nhận thấy sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, hãng đã có kế hoạch chuyển máy bay về các sân bay tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Hải Phòng”. Các hãng có số lượng máy bay nhiều như Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều cho biết đã thực hiện việc chuyển dời máy bay về các sân bay lân cận khi thấy Tân Sơn Nhất quá tải. 32 triệu là tổng lượng khách dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ trong năm 2016. Con số này vào năm 2015 là hơn 26,5 triệu lượt khách. Dự kiến năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ 40 triệu lượt khách thì tình trạng ùn tắc ở sân bay này càng thêm nghiêm trọng. Nguyên do sân bay này có công suất thiết kế chỉ 25 triệu lượt khách/năm. |