Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang chiều 11-9 được phân công thay Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2019.
Cũng tương tự như Chính phủ và VKSND Tối cao, TAND Tối cao cũng nhận định: “Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan nhà nước nói chung và TAND nói riêng”.
Điều đó thể hiện qua hơn 20.000 đơn thư khiếu nại chỉ trong 10 tháng qua. TAND Tối cao đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc phối hợp với VKSND, bổ nhiệm, điều chuyển, luân chuyển cán bộ, thẩm phán để tăng cường nhân lực.
Dù vậy, kết quả giải quyết khiếu nại của ngành tòa án có vẻ không đạt kỳ vọng. Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TAND Tối cao và các TAND cấp cao phải giải quyết là 16.367 nhưng chỉ giải quyết được 7.875 đơn/vụ. Trong tổng số 7.875 đơn/vụ này thì số lượng các vụ không có căn cứ kháng nghị là 7.467 đơn/vụ, chỉ còn 408 đơn/vụ là có căn cứ. Tỉ lệ này cao hơn năm 2018 nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang nói do thiếu thẩm phán nên giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết đạt tỉ lệ thấp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, TAND Tối cao đã tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các đơn kêu oan.
“Chỉ còn hai trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình hiện đang được xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời không bỏ lọt tội phạm” - Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho hay.
Báo cáo của TAND Tối cao cho rằng điều này là do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của TAND Tối cao và các TAND cấp cao là rất lớn so với tổng số biên chế được phân công.
Các chánh án, phó chánh án và thẩm phán TAND các cấp trong 10 tháng qua cũng bị khiếu nại nhiều. Trong số hơn 4.200 đơn khiếu nại thì chỉ có 376 đơn khiếu nại đúng, 295 đơn đúng một phần, còn lại là không có căn cứ.
Các cán bộ, công chức ngành tòa án bị tố cáo ít hơn khi chỉ có 53 đơn. Tuy vậy, có tới 48 đơn đủ điều kiện giải quyết. Nhưng kết quả lại trái ngược khi có 18 đơn tố cáo không đúng, 28 đơn còn lại đang tiếp tục xem xét, giải quyết. TAND các cấp qua thanh tra, kiểm tra công vụ đã xử lý kỷ luật 34 công chức, người lao động do vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm. Trong đó có một thẩm phán và một thư ký bị xử lý hình sự.
Về tiếp công dân, TAND các cấp đã tiếp hơn 158.000 lượt công dân, trong đó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tiếp nhiều công dân có đơn khiếu kiện kéo dài, bức xúc.
Lý giải về những hạn chế, tồn tại, TAND Tối cao thêm một lần nữa khẳng định số lượng thẩm phán, thẩm tra viên còn rất thiếu nên tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND nói chung và các TAND cấp cao nói riêng đạt tỉ lệ thấp so với yêu cầu đặt ra. Số lượng án tăng đột biến cũng gây áp lực cho các tòa, kéo theo số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm cũng gia tăng.
Trong các giải pháp TAND Tối cao đề ra, đáng chú ý có việc phát triển án lệ, công khai bản án để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trước một sự kiện pháp lý để tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội…
TAND Tối cao cũng đề ra giải pháp “chấn chỉnh việc tiếp công dân của tòa án các cấp, người có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân tại các tòa án theo đúng quy định của pháp luật”.