Ngày 12-3, hai ngày sau vụ tai nạn thứ hai của Boeing 737 MAX 8 trong vòng chỉ hơn 4 tháng, hầu hết các nước có sử dụng dòng máy bay này đã quyết định tạm đắp chiếu ngừng khai thác, chỉ còn Mỹ và Canada vẫn chưa quyết định.
Làn sóng ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8 trong ngày 12-3 mạnh hơn nhiều so với một ngày trước đó. Bắt đầu với hàng loạt nước châu Âu lớn: Anh, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Ba Lan, Ý, …Tại Trung Đông có Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Oman... Ở châu Á có thêm Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore (cùng với Trung Quốc, Indonesia cũng đã ngưng khai thác Boeing 737 MAX 8 từ ngày 11-3). Ngoài ra còn có Úc.
Phần lớn lý do các nước đưa ra cho quyết định của mình là vì lo ngại an toàn của dòng máy bay này và vì thiếu thông tin để đảm bảo an toàn.
Hàng loạt nước châu Âu quyết định đắp chiếu Boeing 737 MAX 8. Ảnh: PHOTOSHOT
Tại Mỹ - nơi có trụ sở hãng sản xuất máy bay Boeing, ngày 12-3 Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vẫn nói "không có căn cứ" để ngưng khai thác Boeing 737 MAX 8. Ngày trước đó FAA khẳng định vẫn tin tưởng vào độ an toàn của dòng máy bay này.
Tuy nhiên áp lực buộc FAA phải cho ngưng khai thác Boeing 737 MAX 8 ngày càng tăng. Hàng loạt nghị sĩ Mỹ cả Dân chủ và Cộng hòa lên tiếng yêu cầu FAA cho hạ cánh toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 ở Mỹ, thậm chí còn đòi Quốc hội đưa Boeing ra điều trần.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune – thành viên Tiểu ban Hàng không thuộc Ủy ban Thương mại và Giao thông Thượng viện, có nhiệm vụ giám sát công nghiệp hàng không và FAA nói rằng ông “muốn bay trên loại máy bay khác” thay vì Boeing 737 MAX 8.
Trong ngày 12-3 một liên đoàn tiếp viên hàng không lớn đã gửi thư bày tỏ lo ngại sâu sắc với độ an toàn của Boeing 737 MAX 8, muốn FAA cho ngừng khai thác dòng máy bay này.