Các cuộc điều tra nguyên nhân chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines rơi sáng 10-3 và cả chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air rơi ngày 29-10-2018 vẫn đang diễn ra. Hai chiếc Boeing 737 MAX 8 bị nạn cách nhau hơn 4 tháng và đều rơi không lâu sau khi cất cánh.
Chưa có kết luận hay chứng cứ gì cho thấy có mối liên hệ giữa hai tai nạn, nhưng các chi tiết giống nhau giữa hai vụ việc gây nhiều lo ngại và khiến các nhà chức trách hàng không và các hãng hàng không thận trọng.
Boeing 737 MAX 8 được ra mắt chưa đầy 2 năm (tháng 5-2017) và là sản phẩm bán chạy nhất của Boeing từ trước đến nay. Hiện có 350 chiếc Boeing 737 MAX 8 đang được sử dụng trên toàn cầu, được 54 hãng bay khai thác, theo số liệu từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Hiện con số đặt hàng dòng máy bay này là 4.660 chiếc.
Ngày 11-3, ông Charlie Miller – Phó Chủ tịch Boeing phụ trách thông tin cho biết hãng chưa có kế hoạch ra hướng dẫn mới về điều khiển bay vào thời điểm này, khi cuộc điều tra vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Hiện trường chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia ngày 10-3. Ảnh: REUTERS
Sau hai vụ tai nạn, đặc biệt sau vụ rơi chiếc Boeing 737 MAX 8 thứ hai, câu hỏi về tính an toàn của dòng máy bay này nóng hơn bao giờ hết.
Cùng tìm hiểu hãng hàng không nào và nhà chức trách hàng không nào đã cho dừng khai thác và vẫn tiếp tục cho bay Boeing 737 MAX 8.
Hãng nào đã tạm dừng khai thác?
Trước hết phải kể đến Ethiopian Airlines. Sau tai nạn sáng 10-3 hãng này thông báo tạm ngừng khai thác 4 chiếc Boeing 737 MAX 8 còn lại của mình chờ thông báo thêm, như một “biện pháp phòng ngừa thêm”.
Thứ hai là hãng Cayman Airways của Quần đảo Cayman - lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Hãng này khai thác 2 chiếc Boeing 737 MAX 8 mới toanh. Một ngày sau tai nạn ở Ethiopia, hãng này thông báo tạm dừng khai thác cả 2 máy bay chờ “đến khi nhận thêm thông tin”.
Ngày 12-3, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (ACCS) chỉ đạo ngưng tạm thời hoạt động của toàn bộ các biến thể của dòng máy bay Boeing 737 MAX cả đi lẫn đến Singapore “liên quan đến 2 vụ tai nạn chết người của Boeing 737 MAX 8 trong vòng chưa tới 5 tháng”.
Việc tạm dừng hoạt động có hiệu lực vào 2 giờ chiều 12-3. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là hãng SilkAir đang khai thác 6 chiếc Boeing 737 MAX. Các hãng hàng không khác khai thác Boeing 737 MAX có đường bay đến Singapore là China Southern Airlines, Garuda Indonesia, Shandong Airlines và Thai Lion Air.
Máy bay thương mại trên đường băng sân bay quốc tế Changi (Singapore). Ảnh: AFP
Trung Quốc ngày 11-3 yêu cầu các hãng nội địa nước này tạm thời ngưng khai thác Boeing 737 MAX 8. Một số chặng bay được thay thế bằng dòng Boeing thế hệ cũ hơn 737-800. Các hãng bay Trung Quốc khai thác tổng cộng 96 chiếc Boeing 737 MAX 8, tương đương 27,5% số Boeing 737 MAX 8 khắp toàn cầu. Trong đó hãng China Southern Airlines sở hữu 16 chiếc, hãng Air China sở hữu 14 chiếc, hãng China Eastern Airlines sở hữu 13 chiếc.
Một chiếc Boeing 737 MAX 8 của Trung Quốc. Các hãng bay Trung Quốc khai thác tổng cộng 96 chiếc Boeing 737 MAX 8. Ảnh: REUTERS
Indonesia ngày 11-3 cũng chỉ đạo tạm thời ngưng khai thác toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 trong nước để kiểm tra. Quyết định này ảnh hưởng đến hãng hàng không quốc gia Gadura Indonesia đang khai thác 1 chiếc Boeing 737 MAX 8 và hãng giá rẻ Lion Air đang khai thác 10 chiếc. Việc kiểm tra được bắt đầu ngày 12-3. Ngày 29-10-2018, một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air đã rơi xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh.
Hãng bay nào vẫn đang khai thác Boeing 737 MAX 8?
Hãng American Airlines (Mỹ) sở hữu 24 chiếc Boeing 737 MAX 8 và cho biết không có kế hoạch ngừng khai thác vào thời điểm này. Trong tuyên bố ngày 11-3, hãng này chia buồn với gia đình các nạn nhân vụ tai nạn ở Ethiopia và nói sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình điều tra.
“Thời điểm này chưa có bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân tai nạn ngoài các thông tin truyền thông. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ máy bay và phi hành đoàn – thuộc hàng tốt nhất và kinh nghiệm nhất trong ngành công nghiệp này” – trích tuyên bố của American Airlines.
Hãng Southwest Airlines (Mỹ) có 34 chiếc Boeing 737 MAX 8 và cũng nói không có kế hoạch thay đổi chính sách hay thủ tục hoạt động.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào độ an toàn và khả năng bay của đội ngũ hơn 750 máy bay Boeing của chúng tôi” – trích tuyên bố của Southwest Airlines.
Nhân viên Boeing chụp hình trước một chiếc Boeing 737 MAX 8 được sản xuất cho hãng Southwest Airlines, nhân kỷ niệm sự kiện Boeing sản xuất 10.000 chiếc 737, tại bang Washington (Mỹ) ngày 13-3-2018. Ảnh: REUTERS
Hãng Norwegian Airlines (NaUy) cho biết vẫn tiếp tục khai thác 18 chiếc Boeing 737 MAX 8 của mình như bình thường.
“Chúng tôi đang liên lạc chặt với Boeing và tuân thủ các chỉ dẫn và khuyến cáo của họ cũng như của các nhà chức trách hàng không. An toàn của hành khách luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” – trích tuyên bố của hãng Norwegian Airlines.
Hãng TUI Airways (Đức) sở hữu 15 chiếc Boeing 737 MAX 8, cũng không có kế hoạch dừng khai thác.
“Chúng tôi không bình luận về bất cứ đồn đoán nào, và như luôn luôn, chúng tôi đang liên lạc chặt với nhà sản xuất. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu gì cho thấy chúng tôi không thể hoạt động đội máy bay Boeing 737 MAX 8 một cách an toàn như chúng tôi thực hiện với mọi máy bay khác trong mạng lưới của mình” – trích thông báo của hãng TUI Airways.
Hãng Fiji Airways (đảo quốc Fiji) cũng không có kế hoạch dừng khai thác 2 chiếc Boeing 737 MAX 8 mình sở hữu. Hãng này còn đang đặt thêm 3 chiếc dòng này nữa từ Boeing, dự kiến sẽ được giao trong năm 2019.
“Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào khả năng bay của toàn bộ đội ngũ máy bay của chúng tôi” – trích thông báo của hãng Fiji Airways.
Hãng Icelandair (Iceland) sở hữu 3 chiếc Boeing 737 MAX 8 và cho biết không có kế hoạch ngưng khai thác.
“Thời điểm này Icelandair không có bất kỳ hành động gì theo các diễn biến vừa rồi. Tuy nhiên chúng tôi sẽ theo dõi chặt mọi diễn biến và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn” – trích thông báo của hãng Icalandair.
Hãng Flydubai (Dudai) cho biết sẽ tiếp tục khai thác 11 chiếc Boeing MAX 8 mình sở hữu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và liên lạc chặt với Boeing…An toàn của hành khách và phi hành đoàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Ngành hàng không có quy định rất nghiêm ngặt và Flydubai tuân thủ nghiêm tất cả quy định này” – trích thông báo hãng Flydubai.
Hãng WestJet (Canada) hiện đang có 13 chiếc Boeing 737 MAX 8 trong tổng cộng 121 chiếc Boeing 737 của mình.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt tình hình và sẽ không phỏng đoán về nguyên nhân tai nạn. WestJet vẫn tin tưởng vào độ an toàn của đội ngũ máy bay Boeing 737 của chúng tôi, trong đó có 13 chiếc Boeing MAX 18 được giới thiệu từ năm 2017” – trích thông báo của hãng WestJet.
Một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng WestJet (Canada). Ảnh: REUTERS
Hãng GOL Linhas Aéreas (Brazil) có 7 chiếc Boeing 737 MAX 8 trong tổng cộng 121 máy bay Boeing.
“GOL tiếp tục theo dõi tiến trình điều tra và giữ liên lạc chặt với Boeing để có thêm thông tin. Công ty nhắc lại lần nữa sự tin tưởng của mình với đội ngũ máy bay của mình” – trích thông báo hãng GOL Linhas Aéreas.
Nhà chức trách Mỹ, Anh, châu Âu nói gì?
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 11-3 cho biết đã triển khai một đội điều tra đến Ethiopia giúp điều tra tai nạn. Thông báo của FAA nêu rõ các nhà điều tra vẫn chưa xác định nguyên nhân tai nạn ở Ethiopia, cũng chưa khẳng định được liệu có cùng nguyên nhân với vụ tai nạn của hãng Lion Air tháng 10-2018 hay không.
FAA cũng cho biết sẽ yêu cầu Boeing có “một số thay đổi thiết kế” với các dòng Boeing 737 MAX 8 và 9 “không trễ hơn tháng 4-2019”. Các thay đổi này nằm ở “hệ thống tăng cường kiểm soát chuyến bay”.
Một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines, tương tự chiếc đã rơi sáng 10-3. Ảnh: EPA
Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) ngày 11-3 ra tuyên bố: “Hiện tại có 5 chiếc Boeing 737 MAX 8 được đăng ký và hoạt động ở Anh”, đồng thời cho biết chiếc Boeing 737 MAX 8 thứ 6 sẽ được đưa vào hoạt động trong tuần này.
“Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ có trách nhiệm về việc chứng nhận toàn bộ mẫu Boeing 737 MAX 8, và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu có trách nhiệm phê chuẩn chứng nhận này khắp Liên minh châu Âu, trong đó có Anh” – CAA thông báo, cho biết đang liên lạc chặt với Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu.
Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cho biết đang theo dõi chặt tiến trình điều tra tai nạn.
“Chúng tôi sẽ ngay lập tức công bố bất kỳ thông tin cần thiết nào thu thập được lên trang web của mình” – EASA thông báo.