Báo cáo của UBND tỉnh An Giang cho thấy tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 2 Liên hợp Hợp tác xã (HTX) và 147 HTX với tổng vốn điều lệ hơn 412 tỉ đồng. Tổng số xã viên hơn 160 ngàn người. Tổng doanh thu của các HTX đạt hơn 837 tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 90 tỉ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX tập trung trong bốn lĩnh vực nông nghiệp – thủy sản, tín dụng, tiểu thủ công nghiệp và vận tải.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nhân cho rằng khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX phải đánh giá thu nhập từng hộ xã viên có được nhờ sử dụng các dịch vụ do HTX cung ứng. Khi từng xã viên có thu nhập tăng lên so với trước, tự thân họ sẽ thấy lợi ích và nhiệt tình tham gia. Hiện nay, tính con số tương đối thì thấy hiệu quả, nhưng tính tuyệt đối đến từng xã viên thì mức thu nhập còn rất thấp. Theo báo cáo của tỉnh, chia cổ phần của xã viên một năm có hơn 500 nghìn đồng thì không đủ để nhậu.
Ảnh minh họa
Hiện 90% sản phẩm do nông dân làm ra họ muốn bán đâu thì bán. “Tại sao HTX chưa coi việc tiêu thụ sản phẩm của xã viên là của mình? Khi đó HTX mới suy xét xem trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả, số lượng bao nhiêu và hướng dẫn lại cho nông dân… ”, ông Nhân nói.
Còn theo ông Sáu, 60% nông dân An Giang có diện tích sản xuất dưới 0,5ha, với quy mô này buộc người dân phải tự tìm đến HTX và xu hướng sản xuất theo HTX kiểu mới là cần thiết.
Tham gia tọa đàm, hầu hết ý kiến các HTX đều cho rằng họ đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi trong nông nghiệp để tăng sản xuất, nâng cao thu nhập. Một số HTX khó khăn về việc giao quyền sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi…