Chia sẻ của người mẹ đi chống dịch,con khóc khi thấy trên tivi

22 giờ tối ngày 19-5, đang ôm ru ngủ đứa con gái 19 tháng tuổi, điện thoại của Trung úy Phùng Thị Hạnh, nữ điều dưỡng Bệnh viện Quân Y 103, rung lên. Chị nhận được lệnh từ cấp trên: sáng hôm sau lên đường chi viện cho Bắc Giang chống dịch.

Dịch căng thẳng nhiều tháng nay, hàng trăm đồng nghiệp đã lên đường tiếp sức cho tâm dịch. Chị Hạnh biết Bắc Giang đang cần thêm mình và nhiều người nữa. Chị luôn sẵn sàng cho chuyến đi ấy, nhưng thông báo của cấp trên vào lúc đêm muộn khiến chị không khỏi rối bời.

Bé Kem bật khóc khi nhìn thấy mẹ trên tivi. Ảnh: NVCC

Bé Kem – con gái của chị Hạnh, dù đã 19 tháng tuổi nhưng chưa cai sữa, mỗi ngày chị đều tranh thủ buổi trưa chạy từ bệnh viện về nhà cho cháu bú. Chiều hôm trước, mẹ của chị giúp việc bị tai nạn nên phải xin nghỉ. Hạnh đi rồi, ai sẽ chăm sóc gia đình, bé Kem sẽ ra sao khi đột ngột phải rời xa mẹ…?

Còn chưa đầy 10 tiếng nữa, chị phải trả lời và sắp xếp đáp án cho những câu hỏi trên. Đêm ấy, chị thức trắng, ôm chặt con gái trong lòng.

Sáng hôm sau, chị Hạnh dậy thật sớm, Bắc Giang đang chờ chị. Chị quyết định giao phó bé Kem cho chồng và bà nội. Chị rời nhà đến đơn vị, không dám hôn lên trán con, dù vô cùng mong muốn, sợ cháu thực giấc sẽ đòi mẹ, chỉ dám đứng nhìn từ xa.

Có mặt tại Bệnh viện Quân y 103, chị Hạnh được phổ biến các quy định về phòng, chống dịch, rồi lên đường đến Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang nhận nhiệm vụ.

Hạnh cùng đồng nghiệp ở nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Ngày đầu tiên ở tâm dịch, mệt mỏi từ công việc không khiến chị chùn bước. Nhưng vì xa bé Kem, chị bị tắc sữa. Đau, nhức, sốt cao… bủa vây nữ điều dưỡng 28 tuổi. 

Nhưng rồi, qua mỗi đêm vật lộn với cơn đau và nỗi nhớ con, sáng hôm sau chị đều dậy sớm, đảm bảo tỉnh táo để thực hiện nhiệm vụ.

“Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, con lại òa lên, đòi bế. Nhớ con nhưng tôi đành phải tắt máy rồi quay mặt đi lau nước mắt, dỗ cháu ngoan rồi mấy hôm nữa mẹ về” – chị Hạnh kể, nói rằng biết đó là lời nói dối nhưng ngày nào cũng phải nói với con, bởi chị cũng chưa biết lúc nào có thể về nhà khi mà dịch vẫn đang bùng phát.

Dù nhớ con vô cùng, Hạnh chỉ có thể nói chuyện với bé qua màn hình điện thoại. Ảnh: NVCC

Tổ của chị Hạnh đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, chị trực tiếp chăm sóc cho khoảng 10 ca bệnh nặng. Nhiều bệnh nhân ngoài 70 tuổi, trẻ em 6 tuổi rồi có cả phụ nữ đang mang thai, khiến công việc thăm khám, điều trị hàng ngày của tổ vô cùng vất vả.

Ngoài tham gia chống dịch, chị và đồng đội còn phải thu xếp sinh hoạt của bản thân. Mấy bữa trước, bệnh viện dã chiến nhận thêm nhiều bệnh nhân mới, đoàn y bác sỹ phải thu dọn đồ đạc để nhường nơi ở làm phòng điều trị.

Mọi người tất bật di chuyển quãng đường 10km để nhận phòng mới. 24 giờ, nhóm bác sỹ, điều dưỡng vẫn đang bộn bề với dọn dẹp, kê giường, lau sàn... Sáu người một phòng, mỗi giường cách nhau 2m, đảm báo đúng khoảng cách an toàn. 

Vất vả vô cùng nhưng Hạnh và đồng đội luôn lạc quan, tin rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi. Ảnh: NVCC

Trưa hôm qua, 29-5, em gái gửi cho chị Hạnh đoạn clip ghi lại cảnh chị xuất hiện trên tivi nói về dịch bệnh. Đúng lúc này, bé Kem ở nhà đang ăn cơm, thấy mẹ trên tivi liền khóc oà, chìa tay muốn được bế. Cả nhà đều bất ngờ vì Hạnh đeo khẩu trang nhưng con vẫn nhận ra. Ai cũng thương, gạt nước mắt khi nhìn thấy bé Kem nằng nặc đòi mẹ sau đó.

Đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều bình luận bày tỏ sự cảm ơn đến Hạnh và những đồng nghiệp, đồng thời thương cảm với bé Kem khi phải đột ngột xa mẹ. Họ cầu chúc dịch bệnh sớm qua đi để hai mẹ con Hạnh có thể đoàn tụ.

“Mỗi khi nhớ đến con, ngực lại đau nhói, lòng cũng xót xa. Nhưng tôi là điều dưỡng, lại là một quân nhân nên mình chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tin rằng với sự cố gắng ngày đêm của lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như sự chung tay của người dân cả nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để những người mẹ xa con nhỏ như tôi sớm được về nhà”, chị bật khóc.

Chị Hạnh chỉ là một trong hàng ngàn “chiến sĩ áo trắng” đang căng mình trên tuyến đầu chống dịch. Họ sẵn sàng tạm gác hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ, đương đầu với nguy hiểm từ “kẻ thù” mang tên COVID-19.

Mỗi chúng ta, khi còn đang được ngồi đọc những dòng tâm sự của Hạnh và đồng nghiệp, còn được quây quần bên gia đình để nghe tin tức về dịch bệnh, hãy cảm thấy may mắn. Mỗi cá nhân có ý thức phòng, chống dịch bệnh sẽ góp phần đẩy lùi COVID-19, để những cháu bé như Kem sớm được ở trong vòng tay mẹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm