Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc (TQ) vẫn sẽ tiếp tục đà chậm lại sau một thời gian tăng trưởng mạnh. Dễ nhìn thấy thời gian qua các lãnh đạo TQ đã có nhiều quyết sách sai lầm khiến quá trình chậm lại này lý ra sẽ diễn ra êm ái hơn lại trở nên hỗn loạn và có nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Chứng khoán TQ rớt giá gần 10% trong vòng một tuần đầu năm 2016, kéo theo chứng khoán của nhiều nơi trên thế giới lao đao theo. Bản thân sự rớt giá của chứng khoán TQ không phải là một vấn đề kinh tế lớn, vấn đề là các lãnh đạo TQ - vốn đã bị suy giảm niềm tin - có thấy được đây là một tín hiệu cho thấy giờ là thời điểm phải có các thay đổi cơ bản trong cách quản lý nền kinh tế hay không.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng ở mức gần 7%/năm so với 10,6% năm 2010 - mức tăng trưởng vẫn được đánh giá là chưa tệ lắm. Vấn đề là mức phát triển này lại đến từ việc bùng nổ đầu tư, chi tiêu, cũng như cho vay mà rất nhiều khoản vay không thể trả được. Những việc này lại có sự hỗ trợ của chính phủ TQ: Bơm hàng tỉ USD vào nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mà không có các biện pháp cải cách cần thiết để các công ty tư nhân và nước ngoài có thể cạnh tranh với các công ty nhà nước.
Đầu năm 2015, thông qua truyền thông, chính phủ TQ khuyến khích người dân mang tiền tiền kiệm thậm chí đi vay để tham gia thị trường chứng khoán, tạo ra một quả bong bóng chứng khoán khổng lồ. Khi thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo và hỗn loạn vào giữa năm 2015, chính phủ TQ lại đổ lỗi rằng do phao tin đồn nhảm và đầu cơ, chỉ đạo các công ty chứng khoán và các công ty nhà nước tiếp tục mua cổ phiếu vào.
Bài học trong vấn đề này khá rõ ràng. Thay vì cố gắng quản lý vi mô giá cổ phiếu, chính phủ TQ nên củng cố nền kinh tế mà trước tiên nên đổi sự chú ý của mình từ đầu tư sang tiêu dùng và dịch vụ. Đây là điều quan trọng vì kinh tế TQ không còn khai thác được nhiều từ việc đưa người nông dân trở thành công nhân làm việc trong nhà máy, mà cần tạo ra nhiều lao động trí thức làm trong các ngành dịch vụ và tài chính hơn. Bên cạnh đó cần tạo ra nhiều cạnh tranh hơn, tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, tài chính như viễn thông và bảo hiểm - những lĩnh vực hiện chỉ tập trung ở một số tập đoàn nhà nước.
Trung Quốc nên chuyển chú trọng sản xuất sang ưu tiên dịch vụ và tài chính.