Chiến sĩ áo trắng trong Điện Biên Phủ trên không

12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” (từ 18 đến 29-12-1972), quân và dân thủ đô Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ, dẫn đến việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), theo đó Mỹ và đồng minh chấp nhận rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam.

1. Những ngày pháo đài bay B-52 vần vũ trên không phận miền Bắc, tôi về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam ở Hà Nội. Tôi được chứng kiến nhiều sự kiện, để lại ấn tượng không thể nào quên. Đó là cả dãy phố Khâm Thiên đổ nát tan hoang và BV Bạch Mai cơ ngơi đồ sộ, tòa ngang dãy dọc khang trang bị đánh phá hủy diệt.

Tôi đến thăm nhà GS-BS Đỗ Doãn Đại, năm nay đã 87 tuổi, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Y khoa Hà Nội kiêm Giám đốc BV Bạch Mai từ năm 1969 đến 1983. 40 năm đã qua nhưng trong ký ức ông vẫn còn nhớ rõ những cảnh đau thương, tan nát.

Bằng chất giọng nhỏ nhẹ, GS Đại kể lại…

2. “Năm 1972, BV Bạch Mai hứng chịu bốn đợt ném bom của máy bay B-52, nặng nhất là vào 4 giờ sáng 22-12, tất cả các khoa đều bị hư hại.

Khi đi một vòng ghé qua nhà bếp, thấy chị em cấp dưỡng đang trực, tôi nói chị em nổi lửa lên nấu mấy nồi cháo để có cái ăn cho những người làm công việc cứu sập và cứu thương. Việc này được anh em sau đó hoan nghênh vì có cháo chống đói để làm nhiệm vụ. Nguy hiểm nhất là căn hầm khoa Da liễu, khoa Nội và hầm Hành chính bị đánh sập. Một số anh chị em ở phía ngoài thoát ra được nhưng ở khoa Da liễu, những chỗ bị sập ngay từ cửa hầm đã bịt các lối vào, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế và sinh viên cùng các bệnh nhân bị kẹt trong các khối bê tông. Đi đến đâu cũng lạo xạo kính vỡ tan hoang. Khoa Ngoại được củng cố ngay lực lượng để làm công tác cấp cứu, khoa Dược chuẩn bị các chai sêrum ngay để dùng. Cũng may là các máy nổ không bị suy suyển, tôi nói anh chị em tổ điện cho chạy ngay các máy nổ và dòng dây điện đem ánh sáng đến các hầm đang bị hư hỏng. Đội cứu sập khu Đống Đa đã đem cần cẩu, cưa máy đến ứng cứu ngay từ đầu, họ không muốn chúng tôi vào sâu cùng họ, sợ lỡ sập hầm song tôi nói nhiệm vụ của giới y tế chúng tôi là cứu người, chúng tôi biết rõ ngóc ngách đi lại và kịp thời xử lý tình huống.

Chiến sĩ áo trắng trong Điện Biên Phủ trên không ảnh 1

Bom B-52 trút xuống BV Bạch Mai ngày 22-12 đã cướp đi sinh mạng của 28 người và làm 22 người khác bị thương.

Quả như dự đoán, ở hầm Da liễu, tôi nghe thấy tiếng BS Ninh kêu cứu, một tay chị đã thò ra khỏi đống đổ nát động đậy. Trong khi đội cứu sập cưa các thanh sắt, tháo các mảng bê tông kiên cố, tôi cầm tay chị Ninh nói to để động viên và trấn an chị cùng những người bị nạn bên trong: “Đại đây, Đại đây! Anh chị em có nghe thấy không?”. Chúng tôi cứu được khoảng năm, bảy người. Ở ngách khác, chị Thoa (khoa Da liễu) đã chết cứng đang ngáng lối đi. Anh em nhìn tôi dò hỏi. Tôi nghĩ phải kịp thời cứu những người bị thương đang kẹt ở trong, tôi đành nói anh em thắp hương khấn chị Thoa để anh em phẫu thuật xin cưa rời các bộ phận mở lối ra thì mới cứu được anh chị em bên trong. Sau đó ngách thông, đưa ra được gần 30 người bị kẹt. Chúng tôi khâu lại hình hài của chị Thoa trước khi đưa ra ngoài.

Trong mấy ngày liên tục cứu sập, có một trường hợp hi hữu là ba chị y tá Diên, Khuyến, Thạch cùng khoa Da liễu ôm chặt nhau lúc chết do một khối bê tông đè phải. Thật thương tâm, cách đó mới hai tháng, chị Diên làm đám cưới, hai chị Khuyến và Thạch đã cùng đi phù dâu. Các chị đã sống chết bên nhau, lúc vui cũng như lúc gặp nạn… Khi chúng tôi phát hiện thi thể của ba chị, tất cả đã cứng và trương to. Chúng tôi phải buộc dây chắc và giằng giật mạnh từng người như kéo co nhưng lại phải khéo léo để tránh rung động mạnh có thể làm sập khối bê tông bên trên thì người đi cứu cũng có khi mất mạng.

Sau năm ngày liên tục, chúng tôi đã đưa được mọi người ra khỏi những căn hầm đổ nát. Tôi không thể quên được hình ảnh Thúy - cô sinh viên Y6 được đưa ra sau 20 tiếng đồng hồ bị vùi sâu trong hầm khoa Nội, cô mở mắt nhìn tôi chỉ kịp kêu được hai tiếng: “Thầy Đại”, sau đó vĩnh viễn ra đi. Chị Tuyết - công nhân điện có chồng đi B lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng đảm bảo điện sáng trong mọi tình huống đã hy sinh đợt ấy, để lại ba cháu nhỏ 4-9 tuổi. GS sử học Trần Quốc Vượng đã mất người em gái là dược sĩ Kim Tuyến ở hầm bệnh viện.

Sau năm ngày khẩn trương khắc phục hậu quả và ổn định tổ chức, sáng 27-12, chúng tôi tiếp tục công tác cấp cứu nạn nhân bị thương tại khu Khâm Thiên và các khu vực khác. Riêng ở Khâm Thiên đã điều trị được 50-60 nạn nhân…”.

3. Hồi đó, cô em dâu sắp cưới của GS Đại là Ngọc Tường, 23 tuổi, cán bộ khoa Điện quang ở bệnh viện, khấp khởi vui mừng đi đưa thiệp mời dự đám cưới cho thân quyến, bạn bè. Nào ngờ, tối 18-12, cô bị thương nặng khi nhà bị trúng bom và mất sau hai ngày điều trị ở BV Việt Đức. GS Đại đưa tang em dâu hôm 21-12 thì rạng sáng 22-12, ông phải lao ngay vào việc khắc phục hậu quả trận bom hủy diệt tại BV Bạch Mai.

Tôi đã được thấy di ảnh cô Ngọc Tường trên bàn thờ tại từ đường đại gia đình của GS Đại ở vùng ven Hà Nội. Nơi vùng quê, bên này là bến Chương Dương, bên kia sông Hồng có cửa Hàm Tử. Và tôi chợt nhớ đến câu thơ bất hủ: “Chương Dương, cướp giáo giặc. Hàm Tử, bắt quân thù. Thái bình nên gắng sức. Non nước ấy ngàn thu”

GS-BS Trần Hữu Tước (người đeo kính đứng hàng đầu trong ảnh), một trong chín vị đầu tiên được Chính phủ phong chức danh giáo sư (vào năm 1955), được cử làm Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng khi viện được thành lập. Vào thời điểm diễn ra “Điện Biên Phủ trên không”, dù công việc chuyên môn và giảng dạy bận rộn song BS Tước vẫn nhận viết bài cho báo Phụ Nữ Việt Nam. Chiều 24-12-1972, PV Đạm Thư đến thăm BS Tước tại nhà nhưng ông đi vắng. Mấy hôm sau PV nhận được thư ông, trong đó có câu: “Hai cây bạch đàn chanh chị tặng Viện vẫn hiên ngang đứng vững bất chấp bom B-52”. BS Tước được phong tặng Anh hùng Lao động, ông mất năm 1983.

Chiến sĩ áo trắng trong Điện Biên Phủ trên không ảnh 2

Vì đất nước, vì ngành y

Người bạn đời của GS Đại là BS Hoan, khoa Cấp cứu hồi sức ở A-9 Bạch Mai, vào năm 1971-1972 đã có mặt tại Quảng Bình, ở nơi có đường Trường Sơn chi viện nhân tài vật lực cho miền Nam.

Con trai cả là Đỗ Doãn Thắng, Trung đội trưởng bộ đội đặc công, chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1970 đến 1978 mới ra quân, nay công tác ở ngành giao thông.

Chiến sĩ áo trắng trong Điện Biên Phủ trên không ảnh 3

BS Đỗ Doãn Đại (thứ hai từ phải sang, mặc áo blouse trắng) báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những thiệt hại của BV Bạch Mai sau trận bom ngày 22-12-1972. (Ảnh tư liệu gia đình)

Con trai út Đỗ Doãn Thành sau khi đỗ kỹ sư điện tử ở ĐH Bách khoa Hà Nội đã nhập ngũ và trụ ở tuyến lửa Vị Xuyên (Hà Giang, từ năm 1979 đến 1983), nay công tác ở Trung tâm Kỹ thuật Bộ GTVT.

Kế tục sự nghiệp trị bệnh cứu người trong gia đình GS Đại có: Người con trai thứ hai là PGS-TS Đỗ Doãn Lợi, hiện là Phó Giám đốc BV Bạch Mai kiêm giảng dạy tại ĐH Y khoa Hà Nội; con gái là PGS Đỗ Thị Khánh Hỉ, Phó Giám đốc Viện Lão khoa; con dâu là PGS-TS Kim Dung, Trưởng khoa Thận và tiết niệu BV Bạch Mai.

NGUYỄN HẠC ĐẠM THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm