Trung Quốc lo ngại viễn ảnh chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cử ông Peter Navarro (67 tuổi), giáo sư ĐH California, một nhà kinh tế không ưa Trung Quốc, phụ trách Hội đồng Thương mại quốc gia Mỹ.
Báo China Daily đã kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ nên đặt trong tình trạng báo động.
Tại cuộc họp báo hôm 22-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh xác nhận Trung Quốc đang theo dõi sát sao thành phần bộ máy lãnh đạo do ông Trump đề cử.
Bà nói Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung và đây là lựa chọn duy nhất đúng để hai nước cùng hợp tác.
Bà khẳng định: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ phối hợp với Trung Quốc duy trì phát triển lành mạnh và ổn định các mối quan hệ song phương, bao gồm các quan hệ kinh tế và thương mại”.
GS Kim Xán Vinh ở ĐH Nhân dân (Bắc Kinh) đánh giá Trung Quốc phải sẵn sàng cho chiến tranh thương mại bằng cách xác định các mặt hàng nào có thể nhập khẩu từ các nước khác thay vì nhập từ Mỹ và những lĩnh vực nào Trung Quốc sẽ có thể bị thiệt hại.
Biếm họa của báo China daily (Trung Quốc) cho rằng ông Donald Trump đang phá thương mại Trung Quốc bất chấp các doanh nghiệp Mỹ.
Báo South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia đánh giá chắc chắn xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ gia tăng dưới trào Tổng thống Donald Trump.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Phục Đán (Thượng Hải) Ngô Tâm Bá ghi nhận quan tâm chính của ông Trump sẽ là vấn đề thâm hụt thương mại, vì vậy ông Trump mới yêu cầu Trung Quốc giảm rào cản thuế quan để các doanh nghiệp Mỹ tự do phát triển thị trường.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á Kevin Lai ở Tập đoàn Tài chính Daiwa Capital Markets cho rằng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng sau khi ông Trump chỉ định GS Peter Navarro và tuyên bố xem nhẹ chính sách “một Trung Quốc”.
Ông Kevin Lai khẳng định: “Chiến tranh thương mại ngày càng chắc chắn sẽ xảy ra”.
Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu về Tổ chức Thương mại thế giới ở Trung Quốc Hoắc Kiến Quốc cũng đưa ra nhận định tương tự.
Dù vậy, một số chuyên gia đánh giá tình hình lạc quan hơn.
GS Giả Khánh Quốc ở ĐH Bắc Kinh ghi nhận nhà kinh tế Peter Navarro có ảnh hưởng lớn đến ông Trump, tuy nhiên trong bộ sậu của ông Trump vẫn còn nhiều cố vấn khác có vai vế.
Ông lưu ý: “Hãy xem rất nhiều chủ tịch quản trị của các công ty đa quốc gia được ông ấy đưa vào bộ máy đều là những người có kinh nghiệm và có tầm nhìn sâu hơn, cân bằng hơn về thương mại quốc tế và kinh tế”.
Chuyên gia Fraser Howie, Giám đốc Công ty môi giới Newedge Financial (Singapore), trấn an rằng hãy còn quá sớm để kết luận chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ xảy ra.
Ông ghi nhận quan điểm của Mỹ về kinh tế đối với Trung Quốc có thể sẽ cứng rắn hơn nhưng chưa đến nỗi xảy ra chiến tranh thương mại.
Cá nhân và xu hướng lịch sử Trả lời phỏng vấn Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) ngày 22-12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá quan hệ Trung-Mỹ đang đối mặt với nhiều bấp bênh mới. Ông khẳng định Trung Quốc và Mỹ cần phải tôn trọng lẫn nhau và cùng xem trọng các lợi ích trung tâm và các mối quan tâm của nhau thì mới có thể hợp tác ổn định lâu dài và đôi bên cùng có lợi. Ông phát biểu ám chỉ đến ông Donald Trump: “Đây là xu hướng lịch sử mà ý muốn của một cá nhân không thể làm phai lạt và đây là xu hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ Trung-Mỹ”. __________________________________ Nếu xung đột thương mại Trung-Mỹ leo thang, các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn các doanh nghiệp Trung Quốc. Lý do: Các doanh nghiệp Mỹ bỏ vốn đầu tư nhiều vào Trung Quốc nên họ không muốn để xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước. GS ĐỒ HƯNG QUYỀN ở ĐH Kinh tế và Thương mại quốc tế (Bắc Kinh) |