Trước khi mẹ vợ vào chăm sóc vợ mình sinh nở, chàng rể đã ý tứ sắp xếp cho mẹ vợ một phòng thật ngăn nắp trên căn gác gỗ. Chàng nghĩ, cả ngày chăm sóc con cháu, tối mẹ phải được nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục “chiến đấu”. Thế là chàng quyết định bê chiếc đầu đĩa dưới phòng khách lên, rồi chạy ra tiệm mua thêm mấy đĩa cải lương vốn là món khoái khẩu của mẹ.
Tháng đầu tiên, mẹ “trực chiến” cùng vợ con suốt 24/24. Chàng nghĩ, cũng phải thôi, phụ nữ mới sinh yếu ớt như con cua lột vỏ, rất cần bàn tay chăm sóc của những người có kinh nghiệm như mẹ vợ.
Vì thế, sau khi vui đùa cùng vợ con, khoảng độ 21 giờ, chàng trở về phòng làm việc và ngủ luôn trên ghế salon. Phải nói rằng, mẹ vợ là người cẩn thận, lại có kiến thức về chăm sóc sản phụ, nên mới ngoài tháng, vợ chàng trông tươi tỉnh, hồng hào và tròn trịa hơn trước.
Chàng nghĩ vợ mình đã cứng cáp, đây là thời điểm thích hợp để mẹ vợ được nghỉ ngơi, không phải sớm khuya vất vả với con cháu, chàng lại có cơ hội yêu thương, chăm sóc vợ con một cách thoải mái mà không có sự “cản trở” của mẹ vợ.
Mới vừa bày tỏ ý định với vợ, vợ đã không đồng ý. Cô ấy bảo mẹ rất khó tính, mẹ đã căn dặn vợ từng ly từng tý về chuyện tế nhị này. Mẹ bảo, phụ nữ sau sinh “gần gũi” chồng sớm, sẽ không có lợi, thậm chí có thể vì thế mà đánh mất hạnh phúc vợ chồng. Nghe vậy, dù “nhớ” chồng, nàng cũng không hợp tác với chồng trong việc “phân chia lãnh địa” giữa chồng và mẹ ruột.
Mẹ tuyên bố không rời con gái và cháu ngoại nửa bước, cho đến khi đủ ba tháng mười ngày, dù công việc ở quê đang rất bận rộn. Ảnh minh họa
Chàng nhẩm tính, có đến bốn tháng trời vợ chồng không gần gũi nhau. Lần này chàng quyết “giật” vợ từ tay mẹ!
Chàng tỏ ra biết ơn khi mẹ đã hết lòng vì con cháu, và buổi tối mẹ cần được nghỉ ngơi, nhường vợ con cho chàng chăm sóc. Vừa mở lời, mẹ đã hiểu ý con rể, bà bảo: “mẹ luôn theo quan niệm của người xưa con so nhà mạ, con rạ nhà chồng, nhưng vì điều kiện, vợ con không thể sắp xếp về quê sinh nở, nên mẹ phải vào đây. Mẹ nghĩ, vợ chồng ăn ở với nhau cả đời. Vợ mới sinh, chồng phải biết kiêng cữ, mới gọi là thương vợ. Mẹ tuyên bố không rời con gái và cháu ngoại nửa bước, cho đến khi đủ ba tháng mười ngày, dù công việc ở quê đang rất bận rộn.”
Chàng nghe mà bủn rủn tay chân! Chờ hai tháng trời nữa, chắc chàng đến chết mất. Đàn ông mà nửa năm không gần vợ, mẹ có hiểu điều gì sẽ xảy ra?
Mang chuyện tế nhị lên cơ quan chia sẻ với mấy ông bạn đồng nghiệp, chàng đã được hiến kế.
Trưởng phòng của chàng có một cô vợ rất khéo léo. Cô ấy đã hóa giải khó khăn của chàng bằng cách đến thăm vợ con chàng, nhân đó xin phép được chở mẹ chàng chu du cho biết phố xá.
Dù ngại ngùng, nhưng trước sự ngọt ngào, khó từ chối của cô gái, mẹ vợ cũng đành lên xe ra phố. Hai người vừa ra đi, vợ gọi điện thoại kêu chồng về nhà, thế là hai vợ chồng tha hồ “truy lĩnh”.
Cứ vài lần, cô vợ trưởng phòng lại xuất hiện, mang theo lắm chiêu trò, tạo điều kiện để vợ chồng chàng được ở bên nhau.
Rồi ba tháng mười ngày vợ “hết cữ”, mẹ vợ chuẩn bị khăn gói về quê.
Mẹ về, chàng biết mình sẽ vất vả nhiều, dù chuyện quan hệ vợ chồng lúc bấy giờ trở nên thoải mái hơn.
Chàng ra siêu thị sắm quà cho mẹ, không quên nhét mấy đĩa cải lương mà mẹ chưa kịp xem.
Chàng biết, mẹ lúc nào cũng muốn tốt cho con cái, nhưng có lẽ quan niệm của mẹ đã lỗi thời, vô tình “làm khó” con rể, nên chàng và nàng đành vài lần dối mẹ, dù trong thâm tâm luôn tôn trọng mẹ, thương mẹ và ơn mẹ rất nhiều.