Nhiều người dân sống lâu năm ở trên Quốc lộ 51 đoạn gần ngã ba Nhơn Trạch (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết đã “quá rành” với nhóm Thước râu chuyên giăng bẫy khách đường xa để phá xe, vẽ bệnh, lấy tiền.
Người dân cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM
Nói với PV, nhiều người dân khu vực cho biết họ rất mừng vì Thước râu bị bắt quả tang khi đang phá xe, vẽ bệnh, lấy 2,2 triệu đồng của người đi đường. Các thành viên trong nhóm này giờ không dám phá hoại, hung hãn như trước.
Thước râu chính là Đỗ Bá Thước (44 tuổi, quê Nga Sơn, Thanh Hóa), người đã bị Báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong loạt bài điều tra “Chiêu trò phá xe lấy tiền trên các quốc lộ”.
Anh Đ (ngụ xã Long An, huyện Long Thành) cho biết mình rất vui khi cả nhóm phá xe bị báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh. “Tôi gửi lời cảm ơn đến báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan chức năng đã vào cuộc” – anh Đ nói.
Theo anh Đ, thực trạng phá xe, vẽ bệnh lấy tiền trên Quốc lộ 51 đã kéo dài “mười mấy năm nay”. “Tới hôm nay mới thấy cơ quan chức năng vào cuộc để bắt, không để thực tế này ảnh hưởng đến người dân xung quanh buôn bán làm ăn lương thiện và khách đi đường” – anh Đ tiếp.
Các chiêu thức mà nhóm này thường dùng là bẻ bugi, rút dây mobin sườn… khiến xe không thể nổ máy. Sau đó các chủ tiệm phối hợp bày vẽ, lấy tiền. “Họ ra giá 1-2 triệu. Nạn nhân không có tiền thì bắt để lại điện thoại, laptop ngày sau lên chuộc. Trường hợp nạn nhân phản ứng thì nhóm Thước râu sẽ cho người gây áp lực, chửi bới, thậm chí đánh đập".
Anh Đ cho biết thi thoảng vẫn âm thầm giúp đỡ những người bị nhóm Thước râu phá xe nhưng không muốn va chạm với băng này.
Sau vụ việc, anh Đ cũng như người dân khu vực mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục nắm địa bàn, xử lý dứt điểm các nhóm phá xe trên Quốc lộ 51. “Nhóm này thất đức, nhiều người đi đường xa, sinh viên, công nhân đâu có tiền. Có người phải để lại tài sản rồi sau không có tiền chuộc” – anh Đ nói.
Nhóm phá xe Thước “râu” hình thành thế nào
Chị H sinh sống đã lâu ở khu vực này, cho biết Thước và Đông từ quê vào ngã ba Nhơn Trạch làm ăn khoảng 20 năm trước. “Anh em họ vào đây đã lâu lắm rồi. Thước râu mở quán đầu tiên. Đông thì mở tiệm bán nước, sửa xe gần cầu Quán Tre, sau thấy gần chỗ Thước lại có người sang quán nên chuyển tới đây chừng 5-6 năm nay”.
Người dân khu vực cũng biết các tiệm sửa xe phía bên kia đường, đối diện tiệm của Đông, Thước cũng là anh em, họ hàng với nhau. Gọi là mở quán nước, quán ăn làm dịch vụ, nhưng họ cứ thấy học sinh, sinh viên, phụ nữ đi đường xa là tiếp cận, phá hư xe khách rồi diễn cảnh hỏi thăm, giúp đỡ…
“Đi ngang thấy nó phá xe tức ghê mà không làm gì được. Dân ở đây ai cũng biết, đi gặp hoài luôn mà” – bà H nói.
“Tôi nhìn là biết đã bị phá xe rồi. Chứ sao mà xe tay ga, mới, đang đi, dừng lại thì 2 chiếc cùng hư. Tôi đi ngang thì hỏi thăm thì một cháu nói có ghé ăn phở” – một người phụ nữ sống gần khu vực cho hay.
Người phụ nữ cho biết sau đó đã kêu các bạn trẻ lại và đưa ra các lời khuyên vì “tôi sợ tụi nhỏ sinh viên, không có tiền trả”. Sau đó, người nhà của các bạn sinh viên này đã lái xe ô tô tới chở xe máy về.
Có rất nhiều người là nạn nhân của nhóm phá xe này. “Tôi nhớ đợt đó là Tết, nhóm này về quê. Tối đó thì hai quán cùng bốc cháy một lượt, người dân xung quanh suy đoán có thể là một nạn nhân nào đó bị phá xe nên tức giận, quay lại trả thù” – một người dân khu vực kể lại.
Giàu nhanh bằng trò làm ăn thất đức
Những người gốc gác ở khu vực cho biết Thước khi mới tới thuê thì có vẻ ngoài rất khổ cực, vất vả nhưng giàu lên rất nhanh. “Với người ngoài thì không biết nhưng với dân ở đây thì nhóm này đều rất lễ phép, đi ngang là chào hỏi đàng hoàng. Mà xứ này ai mà không biết nó phá xe người ta” – một người dân nói.
“Một tiệm sửa xe của nó đã thu có đêm 15 triệu, nhất là những ngày cuối tuần, dân họ đi từ TP.HCM xuống Vũng Tàu nhiều. Mà thời đó, mình làm đâu ra một tháng mười mấy triệu” – người này tiếp.
Cũng theo người dân khu vực, lỡ có vào quán Thước ăn phở, uống nước bị hư xe, báo giá cao không sửa thì vào quán tiếp theo của Đông, giá sẽ giảm xuống một ít. Người dân không sửa dắt bộ tiếp thì cuối cùng cũng rơi vào quán của Đồng, là em vợ Thước. “Quán nhà nó vòng vòng đây, đằng nào dân cũng chết” – người phụ nữ nói.
Trong lúc đó, nhóm Thước luôn tỏ ra có tiền và “ăn chơi rất xịn”. Nhóm này cũng thường tổ chức sinh nhật, đi bar hoành tráng, mua iPhone đời mới, sắm vàng… rồi đăng tải trên mạng xã hội.
Theo tìm hiểu, mặt bằng quán Thước và Đông rơi vào khoảng 8 đến 10 triệu đồng/ tháng. “Lúc sau dịch kinh tế khó khăn, một tháng bán phở với cà phê võng, con cái đông mà ăn chơi kiểu đó tiền đâu mà trả. Vầy thì chỉ có làm bậy” – người phụ nữ phản ánh.
Thực tế, với nhóm phá xe Thước “râu” đã có rất nhiều người phản ánh trên các trang mạng xã hội. Người dân khu vực cũng biết nhóm này phá xe nhưng nghe tiếng Thước từng đi tù, manh động, đánh người… sợ trả thù nên họ không báo công an.
“Cứ vô nhờ kiểm tra, sửa xe mà thấy giá cao hoặc nói qua lại, lạng quạng là bị đòn. Dân đi qua ngang là thấy rõ ràng nó phá xe mà” – anh Đ, ngụ xã Long An nói và cho biết trước đây, nhóm Thước không dùng trẻ con mà dùng người thân, vờ vào quán nghỉ chân rồi làm rơi áo, cúi xuống lấy rồi phá xe người đi đường, rất khó phát hiện.
Thực tế, từ năm 2019, báo Pháp Luật TP.HCM đã tiếp nhận một số thông tin nhóm phá xe này và xuống địa bàn để tìm hiểu nhưng không thu thập bằng chứng thành công.
Trong khi đó, hôm 10-8, Thước râu bị Công an huyện Long Thành bắt quả tang đang phá xe, vẽ bệnh, lấy 2,2 triệu đồng của người phụ nữ.
Thước râu bị bắt thì vài hôm sau nhà của một người phụ nữ cho thuê mặt bằng bán phở, nước… gần quán Đông bị ném trứng gà thối và mắm tôm không rõ nguyên nhân.