Chính phủ vừa có tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Mô hình sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh: ACV
Sắp xếp lại về diện tích các khu
Cụ thể, chấp thuận hình thức đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Việc điều chỉnh này nhằm để có khu vực dùng riêng thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Phần đất 480 ha dùng chung được sử dụng cho khai thác dân dụng khi nhu cầu tăng cao.
Báo cáo cũng nêu về điều chỉnh diện tích đất sân bay Long Thành giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha. Nguyên nhân Chính phủ đưa ra là do tư vấn kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…
Ngoài ra, việc này cũng là để bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng để triển khai xây dựng đường băng thứ hai trong tương lai thuận tiện hơn.
Chính phủ khẳng định đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho dự án Long Thành (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8 km kết nối phía tây của sân bay với quốc lộ 51) và 2 (dài 3,5 km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào dự án giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94/2015/QH13.
Về hình thức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư hơn 111.000 tỉ đồng, tương đương 4,779 tỉ USD, Chính phủ đề xuất QH thông qua việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư các hạng mục chính (công trình phục vụ quản lý bay, công trình thiết yếu của Cảng hàng không, công trình khu bay, công trình khu hàng không dân dụng, công trình dịch vụ…).
Về phương án huy động vốn giai đoạn 1, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỉ USD, tương đương khoảng 98.014 tỉ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2025, ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Để vay khoảng 2,628 tỉ USD còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, lãi suất trung bình dự kiến 5%-5,5%/năm.
Về phương án huy động vốn của Tổng Công ty Quản lý bay VN (VATM, đơn vị được đề xuất các công trình phục vụ quản lý bay), Chính phủ cho biết tổng số vốn doanh nghiệp này cần huy động là 3.225 tỉ đồng. Trong đó, VATM đã cân đối được 2.125 tỉ đồng vốn chủ sở hữu và dự kiến vay thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỉ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.
Khó khăn giao mặt bằng sạch Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay dự án sân bay Long Thành mới giải ngân được hơn 123 tỉ đồng (đạt 1,07%), chủ yếu là chi phí thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ, thủ tục. Dự kiến đến cuối năm 2019 giải ngân được khoảng 1.768,5 tỉ đồng (đạt 15,4%). UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc giải ngân chậm và cho rằng do nguyên nhân khách quan. Cụ thể, khu vực quy hoạch sân bay Long Thành bị cấm chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa, nhưng các hộ dân chuyển nhượng giấy tay, phân chia thừa kế cho con... dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất… |