Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự

(PLO)- Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Chiều 26-10, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Từ đó góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Dự thảo Luật

Tuy nhiên, theo Đại tướng, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Do vậy, việc quy định các biện pháp ứng phó cũng chưa có sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện...

Phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp

Nhấn mạnh việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, Đại tướng Phan Văn Giang cho hay việc này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Dự thảo Luật gồm bảy chương, 71 điều, tập trung vào sáu chính sách, trong đó có hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (cấp độ 4).

Theo điều 28 dự thảo luật, các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 bao gồm: Giãn cách xã hội, cách ly tập trung người đi và đến từ khu vực xảy ra thảm họa; Hỗ trợ an sinh xã hội tại các vùng dịch, khu vực cách ly, chia cắt ở khu vực xảy ra thảm họa; Xử lý khẩn cấp thi thể, ổn định tâm lý của người dân trong khu vực xảy ra thảm họa; Dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực xảy ra thảm họa.

Dự thảo đề xuất Thủ tướng, Chủ tịch UBND các cấp, người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật nơi ban bố tình trạng khẩn cấp, căn cứ tình hình thực tế quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại Luật này.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh Lê Tấn Tới cho hay Uỷ ban này cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp tại dự thảo. Các quy định nói trên nhằm bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự được triển khai thống nhất, kịp thời trong một trạng thái đặc biệt của xã hội- “tình trạng khẩn cấp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh, về nguyên tắc, người có thẩm quyền xác định cấp độ phòng thủ dân sự nào thì sẽ được áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng với cấp độ ấy. Cấp trên có quyền áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự thuộc thẩm quyền của cấp dưới.

Tuy nhiên, do nội dung này liên quan đến nhiều quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp, Uỷ ban Quốc phòng- An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế cho phù hợp, nhất là các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp để bảo đảm tính chất phòng thủ dân sự, không chồng lấn sang các quy định về tình trạng khẩn cấp.

Đề xuất xây dựng Quỹ phòng thủ dân sự

Cũng theo tờ trình, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phòng thủ dân sự ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố.

“Quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật”- Đại tướng Phan Văn Giang nói và đánh giá quy định về Quỹ là nội dung lớn của dự thảo Luật, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn do hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp chiều 26-10

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra có ý kiến khác nhau. Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ phòng thủ dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định việc đóng góp quỹ này là bắt buộc như Quỹ Phòng, chống thiên tai. Trong khi đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu có cơ chế khuyến khích đóng góp cho nguồn quỹ này...

Nêu quan điểm chung của Ủy ban Quốc phòng- An ninh, ông Lê Tấn Tới cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý “cần đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này để thiết kế Quỹ phòng thủ dân sự theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ và giao Chính phủ quy định cụ thể”.

Bốn cấp độ phòng thủ dân sự

- Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

.............

Phòng thủ dân sự là gì?

. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

. Nhiệm vụ phòng thủ dân sự bao gồm: Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự; Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập; Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động; Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

. Lực lượng phòng thủ dân sự: Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; Lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành trung ương, địa phương; Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới