Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn

(PLO)- Đó là nội dung báo cáo của UBND TP Đà Nẵng gửi đến Đoàn giám sát chuyên đề Ủy ban Pháp luật Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát chuyên đề Ủy ban Pháp luật Quốc hội liên quan tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP.

Đà Nẵng đang có 39 dự án chung cư với hơn 10.500 căn hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng đang có 39 dự án chung cư với hơn 10.500 căn hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo báo cáo, đến hết tháng 5-2023, toàn TP có hơn 15.000 căn hộ chung cư và hơn 1.100 phòng ký túc xá sinh viên. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư hoàn thành 39 dự án chung cư (hơn 10.500 căn hộ) và hai dự án ký túc xá sinh viên tập trung, tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng.

Đà Nẵng đang thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng hai dự án ký túc xá sinh viên sang NƠXH cho công nhân với 728 căn hộ và đang triển khai một dự án mới với 209 căn hộ.

Với dự án ngoài ngân sách, từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư NƠXH được chín dự án với hơn 7.500 căn hộ. Hiện các chủ đầu tư đã hoàn thành hơn 4.600 căn hộ, đang xây dựng gần 2.900 căn hộ. Đà Nẵng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư bốn dự án ngoài ngân sách với khoảng 3.500 căn hộ.

Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, các dự án NƠXH trên địa bàn TP được bố trí, khai thác sử dụng với hiệu suất cao. Qua đó đã giải quyết một phần nhu cầu của các đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Từ trước đến nay, bên cạnh nguồn kinh phí trích lại từ tiền thuê nhà, Đà Nẵng còn bố trí thêm vốn ngân sách để sửa chữa các chung cư NƠXH thuộc sở hữu nhà nước.

Đà Nẵng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan công tác kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan công tác kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Nam, các cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển NƠXH từ Luật Nhà ở năm 2005 đến nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển NƠXH. Đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương trong phát triển NƠXH.

Tuy nhiên, Đà Nẵng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan. Ông Nam cho hay, quy định bắt buộc bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mang tính cứng nhắc, chưa phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Quy định này cũng chưa phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt và phù hợp với tính chất của từng đô thị.

Theo ông Nam, các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách Nhà nước chưa đủ hấp dẫn, thiếu thực chất, chưa khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư NƠXH.

Cụ thể như lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán NƠXH không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Với NƠXH để cho thuê, thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH gần như tương tự dự án nhà ở thương mại. Thủ tục xác định giá đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất cũng khiến thời gian thực hiện thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư kinh doanh của các chủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm