Ngày mai (10-8), Ủy ban (UB) Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 13, trong đó có nhiều nội dung quan trọng về các dự án luật như Luật Quản lý nợ công, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Thủy sản, Luật Hành chính công, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Quốc phòng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đồng thời, những vấn đề quan trọng khác cũng được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến như điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chính phủ năm 2017; việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016; việc thực hiện pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; việc thí điểm và thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán TAND; việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
Ngày 11-7, sau năm phút khai mạc phiên họp 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, màn hình tại Trung tâm Báo chí đã tắt. Các phóng viên ra về và buổi chiều nhận thông cáo báo chí của Văn phòng Quốc hội.
Tuy vậy, các cơ quan báo chí muốn tham gia đưa tin về kỳ họp này phải theo sự sắp xếp của Văn phòng Quốc hội. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đinh Bộ Lĩnh cho hay: Theo ý kiến của các thành viên UB Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội đã đề xuất ba phương án về hoạt động báo chí đối với các kỳ họp của UB Thường vụ Quốc hội.
Một vị phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khác là ông Đỗ Mạnh Hùng cho hay: Khai mạc phiên họp 13 ngày 10-8, một số báo chí sẽ được mời. Còn tùy theo những nội dung khác mà Văn phòng Quốc hội sẽ mời những báo khác nhau. “Chẳng hạn, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ được mời tham dự những nội dung liên quan đến tòa án, kiểm sát và một số nội dung về các dự án luật”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết thêm sáng 9-8, phương án hoạt động báo chí trong các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội mới được thống nhất. “Chiều nay (9-8), Văn phòng Quốc hội sẽ gửi giấy mời cho các cơ quan báo chí” - ông Hùng cho hay.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận là có ba phương án về hoạt động báo chí đối với các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội. Ông Phúc cho hay cổng thông tin điện tử của Quốc hội đã đăng tải cụ thể về phương án đã được thống nhất.
Theo đó, để tạo điều kiện cho báo chí và bảo đảm để các thành viên tham gia phiên họp UB Thường vụ Quốc hội được phát biểu, trao đổi, thảo luận sâu các nội dung của phiên họp thì tùy theo từng nội dung của phiên họp UB Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức mời một số cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin.
Những cơ quan báo chí được mời đưa tin các nội dung họp công khai của UB Thường vụ Quốc hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích của các cơ quan thông tấn, báo chí và yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền về phiên họp UB Thường vụ Quốc hội.
Các phóng viên báo chí khi được mời tham dự, đưa tin các nội dung họp công khai của UB Thường vụ Quốc hội sẽ được tác nghiệp không quá 15 phút đầu giờ trong phòng họp của UB Thường vụ Quốc hội để lấy hình ảnh, sau đó sẽ tập trung theo dõi nội dung phiên họp tại Trung tâm Báo chí.
Với những cơ quan báo chí không tham dự các nội dung họp riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội sẽ gửi thông cáo báo chí về các nội dung họp riêng.
Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM xác nhận Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành dự kiến nội dung và danh sách các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự đưa tin phiên họp thứ 13.
Còn nhớ, tại phiên họp thứ 12 của UB Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 11-7, các phóng viên tại Trung tâm Báo chí chỉ được tham dự năm phút đầu. Màn hình tại Trung tâm Báo chí cũng tắt đi sau phần khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sau đó, Văn phòng Quốc hội đã gửi thông cáo báo chí về nội dung phiên họp hôm đó. Trước những ý kiến cho rằng như thế là hạn chế báo chí, Văn phòng Quốc hội cũng giải thích rằng điều này để đại biểu phát biểu sâu.