Trong những ngày qua, tình trạng bụi mịn tấn công TP.HCM đang diễn ra ở mức báo động. Chỉ số AQI (viết tắt của Air Quality Index, có nghĩa là chỉ số chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) đo được từ các trạm quan trắc chất lượng không khí (đo nồng độ bụi PM 2.5) AirVisual (mỹ) chỉ số AQI chung ở TP.HCM vào sáng 23-9 là 128. Chỉ số này cảnh báo công chúng nói chung và những người nhạy cảm nói riêng có nguy cơ bị kích ứng và dễ mắc các vấn đề hô hấp.
Đáng chú ý, phần mềm này cảnh báo mức độ tiếp xúc bụi PM 2.5 tại TP.HCM tại hai vị trí ở nhà và ngoài trời cũng vượt khuyến cáo (10,0 µg/m3). Cụ thể, ở nhà là 16 µg/m3, ngoài trời là 26 µg/m3. Trả lời trên PLO, TS chuyên ngành y tế công cộng Trần Ngọc Đăng, giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, cho biết bụi mịn PM 2.5 này vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng đi sâu vào cơ thể, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch và não bộ.
Những hạt bụi này khi đi vào cơ thể sẽ gây ra hàng loạt bệnh tật, nhất là tình trạng lá phổi luôn bị quá tải vì quá nhiều bụi bẩn tích tụ lại. Do đó, cùng với việc bảo vệ hệ hô hấp bằng khẩu trang khi đi ra ngoài trời, chúng ta cũng cần làm sạch phổi thông qua những thực phẩm hàng ngày. Tờ Health đã thống kê một số thực phẩm có thể giúp làm sạch phổi như:
Tỏi: Tỏi có nhiều đặc tính chống viêm khác nhau cùng với hàm lượng allicin cao. Điều này giúp chống nhiễm trùng và giảm viêm. Tỏi cũng được nhiều người coi là có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh hen suyễn và có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi.
Tỏi có tác dụng chống viêm, giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Ảnh: Internet
Gừng: gừng sẽ giúp làm sạch phổi của bạn nhờ đặc tính chống viêm của nó. Bạn có thể uống trà gừng, thêm gừng vào các món ăn khác nhau hoặc nhai một mẫu gừng nhỏ trước khi dùng bữa ăn. Điều này giúp cơ thể tiêu hóa tốt và loại bỏ được nhiều độc tố khỏi đường hô hấp.
Bưởi: Health cho hay loại quả này rất hữu hiệu trong việc làm sạch lá phổi của bạn vì nó chứa rất nhiều khoáng chất hỗ trợ phổi và vitamin. Nếu phổi của bạn đã bị tác động bởi các chất gây ung thư, bưởi sẽ có tác dụng hỗ trợ ngăn chặn các tác động đó.
Rau họ cải: Tất cả loại rau có nguồn gốc từ họ cải bắp như bông cải xanh và súp lơ… chứa rất nhiều chất chống ôxy hóa. Những thứ này có tác dụng làm sạch cơ thể, bao gồm cả phổi của bạn khỏi độc tố.
Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống ôxy hóa có thể giúp giảm tình trạng viêm phổi. Những hợp chất này thậm chí có thể bảo vệ mô phổi khỏi tác hại của việc hít phải khói thuốc. Một nghiên cứu gần đây liên quan đến hơn 1.000 người lớn ở Hàn Quốc cho thấy những người uống ít nhất hai tách trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn so với những người không uống.
Hoa quả, rau củ giàu vitamin A, D, E, C: Đây là các chất chống ôxy hóa giúp cho phổi khỏe mạnh hơn. Các vitamin này thường được biết đến giúp đẹp da nhưng nó cũng rất hữu ích cho lá phổi. Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có màu đỏ, cam như cà rốt, đu đủ, cà chua, ớt chuông… chúng chứa các chất chống ôxy hóa và ngăn ngừa nguy cơ gây ung thư phổi. Còn Vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, chống lại những bệnh nhiễm trùng phổi, chúng có nhiều trong cam, táo, ổi, chanh, rau xanh… Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, mầu lúa mì, dầu ôliu… cũng có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ màng tế bào, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ viêm phổi.
Thuốc lá là nguyên nhân khiến tình trạng phổi trở nên trầm trọng hơn. Ảnh: Internet
Không hút thuốc lá: Ngoài ra Health cũng lưu ý để bảo vệ phổi, người dân cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá, bởi chất nicotine và hàng loạt hóa chất khác có trong thuốc lá là nguyên nhân khiến người hút và những người hít phải khói thuốc đối mặt với nguy cơ viêm phổi, lao, ung thư phổi rất cao…
Như vậy, ngoài việc bảo vệ môi trường chống lại tình trạng bụi mịn, người dân cần tăng cường lối sống lành mạnh và cung cấp các thực phẩm tốt cho hệ hô hấp và phổi.