Cho tôi hỏi yêu cầu của công chứng viên có đúng luật không? Có cách nào sang tên xe mà không cần người vợ cùng đi công chứng hay không?
Bạn đọc Hán Châu Thiều (Bình Chánh, TP.HCM)
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo quy định tại Điều 33 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Như vậy xe máy nêu trên là tài sản chung của vợ chồng.
Điều 35 của luật này quy định: Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu thì khi định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Xe máy đối với một số người không phải là tài sản đáng để chú ý nhưng một khi nó là tài sản chung của vợ chồng và một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn định đoạt (bán) xe thì về nguyên tắc vẫn phải có sự thỏa thuận đồng ý bằng văn bản của bên còn lại.
Nếu chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng thì khi bán phải có sự đồng ý của người còn lại. Ảnh: HĐ
Pháp luật quy định ràng buộc như vậy để không gặp phải vướng mắc nếu sau này vợ chồng rơi vào trường hợp cần chia tài sản chung.
Quy định là vậy nhưng pháp luật cũng tạo điều kiện cho vợ hoặc chồng không nhất thiết phải cùng đi công chứng hợp đồng mua bán xe.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Như vậy, nếu người vợ làm văn bản ủy quyền hợp lệ đồng ý cho người chồng bán xe thì khi đi công chứng hợp đồng mua bán không cần người vợ phải đi cùng.