Mưa lớn kéo dài, lượng mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước… là những nguyên nhân được Trung tâm chống ngập đưa ra để lý giải về tình trạng ngập nước trên địa bàn TP.HCM những ngày vừa qua.
Vậy các dự án chống ngập phát huy hiệu quả như thế nào? Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập TP.HCM (ảnh), xung quanh vấn đề này.
Chưa thống kê hết điểm ngập
. Phóng viên: Với những trận mưa gần đây, các điểm ngập không chỉ xảy ra nhiều mà thời gian ngập còn kéo dài, có nơi ngập úng đến hai ngày. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
+ Ông Đỗ Tấn Long: Những trận mưa gần đây có vũ lượng rất lớn, với cường độ dồn dập. Có trận cùng lúc triều cường trong khi hệ thống cống thoát nước nhiều nơi đã xuống cấp, nhỏ hẹp nên nước không thoát được. Những vùng chưa có hệ thống cống hoặc hệ thống cống chưa kết nối tốt đã xảy ra tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng ngập vẫn giảm đáng kể so với trước đây.
. Vậy dựa vào đâu để nói tình trạng ngập giảm, thưa ông?
+ Trên thực tế, hiện nay tình trạng ngập xảy ra chủ yếu ở những khu vực chưa thực hiện dự án. Còn ở những nơi đã có dự án chống ngập, tình trạng ngập đã giảm rõ rệt. Cụ thể khẳng định vùng trung tâm TP.HCM các dự án đã phát huy hiệu quả.
. Lâu nay các điểm ngập được thống kê là các trục đường lớn, còn tình trạng ngập đường nhỏ, ngập hẻm, ngập nhà dân không có số liệu cập nhật. Vậy làm cách nào để biết toàn TP hiện nay còn bao nhiêu điểm ngập?
+ Về tình trạng ngập hẻm, ngập các tuyến đường nhỏ do quận, huyện quản lý. Mới đây chúng tôi có đề xuất UBND TP yêu cầu các quận, huyện báo cáo sau những đợt mưa lớn, triều cường. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ mới có một vài quận thực hiện. Do đó, hiện chưa có số liệu đầy đủ về tình trạng ngập trên cả địa bàn TP.
Cảnh ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM sau cơn mưa trưa 17-10. Ảnh: TN
“Không bí giải pháp, chỉ thiếu tiền”
. Theo ông, công tác chống ngập trong thời gian qua có gặp phải sai lầm nào không? Đâu là khó khăn nhất trong công tác chống ngập hiện nay?
+ Chúng tôi không bí giải pháp mà thiếu nguồn vốn. Hiện nay có rất nhiều khu vực cần thực hiện dự án nâng cấp hệ thống cống thoát nước nhưng do thiếu vốn nên không thực hiện được. Đơn cử như những trận mưa lớn gần đây, khu vực Gò Vấp, quận 12 bị ngập nặng là do các dự án chống ngập thuộc lưu vực Tham Lương - Bến Cát chậm triển khai vì Ngân hàng Thế giới dừng tài trợ vốn nên TP phải tìm nguồn vốn khác. Nói chung, các dự án chống ngập rất khó để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa.
. Hiện TP đang chống ngập dựa vào hai quy hoạch, gồm quy hoạch thoát nước mưa và quy hoạch thủy lợi (để ngăn triều). Tuy nhiên, cả hai quy hoạch này đều được cho là đã lạc hậu, cần phải điều chỉnh lại. Vậy đây có phải là sai lầm không?
+ Đúng là TP đang chống ngập dựa vào hai quy hoạch này. Quy hoạch thủy lợi do Bộ NN&PTNT thực hiện, còn quy hoạch thoát nước mưa do Sở GTVT TP. Theo tôi, việc điều chỉnh là cần thiết vì để cập nhật số liệu phù hợp với diễn biến của thời tiết. Vì những năm gần đây triều tăng, lượng mưa tăng nên quy hoạch cũng cần phải điều chỉnh để thiết kế công trình chống ngập cho phù hợp.
Bên cạnh đó cũng cần phải xác định lại vùng bị ngập. Ví dụ, trước đây vùng trung tâm TP chỉ xác định là vùng 550 km2 nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay thì phải mở rộng ra đến 800 km2 hoặc rộng hơn.
. Hiện TP đang thực hiện dự án ngăn triều với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đồng ý cho TP với khoản tiền tương tự để thực hiện các dự án ở vùng trung tâm. Vậy với số tiền này đã đủ chống ngập cho vùng trung tâm TP chưa?
+ Số tiền gần 10.000 tỉ đồng mà Chính phủ đồng ý cho TP thực hiện thật ra cũng chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Số tiền này chỉ đủ thực hiện cải tạo 30 tuyến đường ở vùng trung tâm, trong khi đó còn hàng ngàn tuyến đường cần cải tạo hệ thống cống thoát nước. Còn dự án ngăn triều hiện chỉ đang thực hiện giai đoạn 1, còn nhiều công trình phải làm trong các giai đoạn tiếp theo.
. Nếu xác định công tác chống ngập tương ứng với một quãng thời gian nào đó, với cách làm hiện nay bao giờ sẽ đến đích?
+ Nếu căn cứ vào hạng mục dự án cần đầu tư theo quy hoạch chống ngập, hiện các công trình chống ngập mưa chỉ mới đạt khoảng 45%, còn chống ngập triều chỉ mới đạt 20%.
. Xin cám ơn ông.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập Trưa 17-10, dù mưa không quá lớn nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vẫn bị ngập cả làn ô tô và xe máy. Một số vị trí nước ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy không lưu thông được. Hiện tuyến đường này đã được bố trí máy bơm chống ngập công suất lớn. Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Quang Trung (đơn vị chế tạo máy bơm chống ngập), cho rằng nguyên nhân là do có kẻ phá hoại làm cho nước không chảy về trạm bơm. Chiều tối cùng ngày, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập, cho biết hiện chưa xác định được nguyên nhân vì sao đã có trạm bơm công suất lớn nhưng đường vẫn ngập. Theo ông Dũng, đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây thường bị ngập khi có mưa lớn. Do đó, để kiểm chứng trạm bơm có hiệu quả hay không phải qua 3-4 trận mưa lớn mới xác định được. |