Về ý kiến của bác sĩ Khuất Duy Thái, công tác tại Viện Bỏng Quốc gia cho rằng tử tù Nguyễn Đức Nghĩa – kẻ giết người yêu cũ rồi chém đầu và ngón chân ngón tay phi tang – nên tình nguyện hiến mô, tạng và cơ thể cho y học để nhờ đó Nghĩa sẽ được siêu thoát, tình trạng tâm lý của các gia đình và xã hội bớt căng thẳng, theo hướng tích cực… bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có cuộc trao đổi.
Nguyễn Đức Nghĩa bật khóc khi nói lời sau cùng trong phiên tòa diễn ra ngày 14/7 vừa qua. (Ảnh: N.A) |
- Thưa bà, pháp luật của Việt Nam có cho phép việc nêu trên xảy ra không?
Luật thi hành án hình sự vừa được Quốc hội thông qua không quy định về việc này vì có nhiều vướng mắc lắm - nhưng như vậy không có nghĩa là cấm.
- Theo như ý kiến của vị bác sĩ thì nếu tử tù Nguyễn Đức Nghĩa hiến xác được ví như là “sự sống sẽ được kế tiếp bởi những món quà từ sự sống - một việc làm vô cùng nhân đạo”, bà nghĩ thế nào?
Tôi nghĩ việc này nên để anh kia (tử tù Nguyễn Đức Nghĩa - PV) tự nguyện, người khác tác động vào thì không nên. Quan trọng là anh kia có tự nguyện hay không?!
Nếu anh kia có nguyện vọng thì cứ viết đơn vì như tôi vừa nói, việc tử tù hiến xác pháp luật chưa quy định nhưng pháp luật cũng không cấm.
- Sao không đưa quy định này vào luật thưa bà, không chỉ tử tù Nguyễn Đức Nghĩa mà nếu những tử tù khác muốn được hiến xác thì sao?
Trước đây, khi bàn về dự luật thi hành án hình sự có đưa ra nội dung này nhưng còn có nhiều ý kiến khác nhau và có nhiều khó khăn. Người dân bình thường hiến xác thì khuyến khích nhưng pháp luật không khuyến khích tử tù hiến xác. Như vậy, thì cậu tử tù kia tự nghĩ và quyết định.
Theo tôi trong vấn đề tử tù hiến xác, ai có nguyện vọng thì đề xuất, qua đó, các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét nếu thấy được thì cho phép - việc cho phép này có thể coi như thí điểm. Trong tương lai, tổng kết lại mà thấy việc này thuận lợi, không gây ảnh hưởng tiêu cực thì Bộ Công an và Chính phủ sẽ xem xét bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật.
- Bà vừa nói Quốc hội đưa việc này ra bàn nhưng còn vướng, bà có thể nói rõ hơn?
Thực ra mà nói xã hội cần rất nhiều bộ phận cơ thể người dùng cứu những bệnh nhân cần thiết, chính vì thế Bộ Y tế đã đề xuất và trong kỳ họp Quốc hội trước cũng đưa ra bàn vấn đề này. Nhưng sau khi bàn thì còn thấy… bí, vì Việt Nam mình chưa có kinh nghiệm trong việc hiến xác, nhất là đối với tử tù, việc thi hành án cũng chưa công khai, chỉ khi xử tử xong mới công bố nên còn nhiều vướng mắc. Vì vậy nên Quốc hội “nói thôi”, không đưa vấn đề này vào Luật thi hành án hình sự.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, nếu qua thực tiễn mà thấy cần có quy định này, thì Bộ Công an và Chính phủ sẽ xem xét đưa vào Luật sau.
- Nếu quy định tử tù được hiến xác sớm được đưa vào luật, bà nghĩ thế nào?
Tôi thấy ý đó cũng tốt, nhưng vấn đề là việc thực hiện những quy trình, thủ tục như thế nào cho hiệu quả. Ví dụ, trong quá trình hiến xác, tử tù phải làm rất nhiều các xét nghiệm và đây có thể là cơ hội để phạm nhân bỏ trốn; hay một cái vướng khác là về quy định tiêm thuốc độc cho tử tù – nếu tiêm thuốc độc rồi thì tạng và mô của tử tù có tác dụng gì…
- Quay trở lại trường hợp của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, nếu anh ta có nguyện vọng được hiến xác, anh ta cần phải làm gì, theo bà?
Cậu ta có thể viết đơn và gửi giám thị trại giam nhờ chuyển tới Bộ Công an. Bộ Công an và Chính phủ sẽ xem xét.
- Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi cùng VTC News!