Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhận định, trong suốt nhiệm kỳ năm năm của mình, ông đã luôn thuyết phục các lãnh đạo châu Âu rằng Nga là một vấn đề lớn đối với Liên minh châu Âu (EU), hãng thông tấn TASS cho biết.
"Tôi đã phải nhắc lại một cách công khai, hầu như mỗi tuần rằng Nga không phải là một "đối tác chiến lược", mà là vấn đề chiến lược" của chúng ta (EU - PV). Tôi thậm chí còn bị gắn nhãn là một "monomaniac" (người bị ám ảnh bởi định kiến), vì quá tập trung vào chủ đề này" - ông phát biểu ở gần cuối nhiệm kỳ của mình tại Trường CĐ châu Âu ở Bruges hôm 12-11.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhiệm kỳ 2014-2019, ông Donald Tusk. Ảnh: AP
Theo chủ tịch EC, trọng tâm chính của ông là duy trì tính thống nhất của châu Âu khi mà chính sách hiện tại của Điện Kremlin là một thách thức chính.
"Tôi đã và đang tin rằng, trong trò chơi này, vấn đề đang bị thách thức không chỉ là tương lai của một Ukraine độc lập và an ninh của vùng Trung Âu, bao gồm cả an ninh của đất nước tôi (Ba Lan - PV), mà cả chủ quyền của châu Âu như một thực thể chính trị thống nhất" - ông nói tiếp.
Ông Tusk quả quyết Moscow có thể làm suy yếu EU một cách có hệ thống bằng những hành động quyết đoán của họ.
Tuy nhiên, ông cho rằng EU vẫn đang duy trì sự thống nhất của mình "trong suốt nhiệm kỳ của tôi".
Ông Tusk tuyên bố mình không có kế hoạch thuyết phục chính phủ ở quê nhà xem xét lại quan điểm của mình về nước Nga như những gì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron định làm.
"Trong bài phỏng vấn vào tuần trước trên tờ The Economist, Tổng thống Macron nói rằng ông ấy chia sẻ quan điểm chung về vấn đề này với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và ông Macron hy vọng ông Orban sẽ hỗ trợ thuyết phục người Ba Lan thay đổi quan điểm về nước Nga".
"Sẽ không có một châu Âu có chủ quyền mà không có sự thống nhất giữa một khu vực Balkan ổn định với phần còn lại của lục địa" - ông nói tiếp. "Và sẽ không có một châu Âu có chủ quyền mà không có một Ukraine độc lập".
Ông Tusk cũng cho rằng lập trường cứng rắn và kiên định về nước Nga sẽ là "biểu hiện đầu tiên" của một EU độc lập.
Trong bài phỏng vấn Tổng thống Macron hồi tuần trước, ông cho rằng châu Âu cần nối lại đối thoại với Moscow bất chấp nghi ngờ của Ba Lan và các quốc gia Baltic, cùng một số quốc gia châu Âu khác.
Cũng theo đó, việc tái khởi động đối thoại với Nga có thể giúp châu Âu "bắt đầu suy nghĩ và hành động không chỉ với tư cách là một tổ chức kinh tế với kế hoạch chính là mở rộng thị trường, mà còn với tư cách là một tổ chức quyền lực chiến lược". Do đó, nếu châu Âu không thể làm được việc này, đó sẽ là một "sai lầm rất lớn" - bài báo dẫn lời tổng thống Pháp.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh mình không kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga về vấn đề Ukraine. Thay vào đó, ông nhận định nỗ lực thiết lập hòa bình cho quốc gia Đông Âu là một chiến lược dài hạn, còn có thể mất nhiều thập kỷ để kết thúc.