Chiều 23-4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 4 chương, 16 điều, cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các nước xung quanh đều cao nhưng nghiên cứu dự thảo thì chưa thấy lộ trình để chúng ta tiếp cận dần với thông lệ tốt của quốc tế.
Ông Thanh cũng băn khoăn không rõ do quy định hay do quá trình tổ chức thực thi của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế… còn khá phổ biến.
“Chúng tôi đề nghị phải có đánh giá, bổ sung quy định tại dự thảo về các điều cấm và chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện” - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Theo ông Thanh, dù Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định điều cấm và các chế tài xử lý vi phạm nhưng thuế GTGT có đặc thù riêng. Do đó, cần phải có những quy định đặc biệt, đặc thù để chống gian lận về hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế hay khai khống hóa đơn thuế GTGT.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng có thực trạng mua, bán hóa đơn lòng vòng, vi phạm về thời gian nộp thuế, khai khống hóa đơn thuế GTGT, lừa đảo chiếm đoạt thuế… nhiều hành vi phát sinh từ thuế GTGT. Từ đó, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định về các hành vi bị cấm dự thảo.
Góp ý hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên chăng nghiên cứu, bổ sung một số quy định đối với hành vi vi phạm, hành vi bị cấm và chế tài.
“Đúng là ngoài những quy định về điều cấm trong Luật Quản lý thuế đã có, do tính chất đặc thù của thuế GTGT mà có thể phát sinh nhiều định dạng, nhiều hành vi vi phạm” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để có tác dụng răn đe, dễ cho vấn đề thực thi, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu một điều luật về những hành vi cấm và chế tài xử phạt trong trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật Quản lý thuế.
Chẳng hạn như gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn GTGT, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, chuyển giá…
Báo cáo thêm cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện trong luật cũng quy định đối tượng nộp thuế chịu trách nhiệm về hồ sơ, chứng từ, thông tin... Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn.
“Giai đoạn vừa qua, gian lận về thuế GTGT rất lớn nên cần quy định chặt và đảm bảo minh bạch, vừa bảo vệ những người nộp thuế chân chính nhưng cũng bảo vệ cho cán bộ thuế thu chân chính” - ông Hồ Đức Phớc nói.
Theo nghị trình, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 tới), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Về đối tượng không chịu thuế, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Theo đó, dự thảo bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, gồm phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển).
Lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ cũng là dịch vụ không chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, danh sách này còn có dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.