Ngày 15-12, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Theo đó, khối HĐND tỉnh: Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có số phiếu tín nhiệm cao 46 phiếu (chiếm 97,87% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm: 0 phiếu (chiếm 0% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm thấp: 1 phiếu (chiếm 2,13% tổng số phiếu).
Bà Lan cũng là người duy nhất trong số 28 người được lấy phiếu có tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao cao nhất.
Khối UBND tỉnh: Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc có số phiếu tín nhiệm cao: 19 phiếu (chiếm 40,43% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm: 2 phiếu (chiếm 4,26% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm thấp: 25 phiếu (chiếm 53,19% tổng số phiếu).
Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Số phiếu tín nhiệm cao: 35 phiếu (chiếm 74,47% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm: 9 phiếu (chiếm 19,15% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm thấp: 3 phiếu (chiếm 6,38% tổng số phiếu).
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Số phiếu tín nhiệm cao: 32 phiếu (chiếm 68,09% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm: 12 phiếu (chiếm 25,53% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm thấp: 3 phiếu (chiếm 6,38% tổng số phiếu).
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Số phiếu tín nhiệm cao : 29 phiếu (chiếm 61,70% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm: 15 phiếu (chiếm 31,91% tổng số phiếu). Số phiếu tín nhiệm thấp: 3 phiếu (chiếm 6,38% tổng số phiếu).
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cán bộ tại Vĩnh Phúc được công khai muộn hơn so với các tỉnh khác khiến dư luận ngạc nhiên. Bởi hầu hết HĐND các tỉnh đều công khai kết quả ngay tại kỳ họp để báo chí, cử tri và nhân dân biết.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.
Người đứng đầu HĐND Vĩnh Phúc cũng cho biết đã báo cáo trước HĐND và cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, việc công khai thực hiện theo quy định.
Theo Nghị quyết 96/2023 của Quốc hội, cán bộ có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" phải xin từ chức trong không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Nếu cán bộ không xin từ chức thì thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm) tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở tờ trình của Thường trực HĐND, các đại biểu sẽ thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.
Người được bỏ phiếu tín nhiệm nhận được hơn 50% đánh giá "không tín nhiệm" thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm.