Chiều 15-5, HĐXX phúc thẩm vụ án Việt Á tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo, người liên quan có kháng cáo.
Thắc mắc có cách nào để không phạm tội
Bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á bị bản án sơ thẩm tuyên phạt 29 năm tù về 2 tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phan Quốc Việt vẫn giữ kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Việt mong được xem xét bối cảnh phạm tội. Bị cáo nói "trong bối cảnh đó có cách nào để không phạm tội" và xin tòa giải đáp thắc mắc "để bị cáo đi tù tâm lý cũng thoải mái hơn".
Tuy nhiên, đại diện VKS nêu rõ, Chủ tịch Việt Á đã chiếm đoạt test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước, biến thành sản phẩm của công ty, sản xuất, bán giá nâng khống, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Trình bày trước tòa, bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng đối với sai phạm khi bán kit test tại 24 cơ sở y tế công lập tại các tỉnh thành, bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng bản thân chỉ là đồng phạm, không phải chủ mưu. Bởi chính các cơ sở y tế liên hệ với bị cáo.
Cũng theo bị cáo, những thiệt hại tại các tỉnh thì CDC cùng phải bồi thường chứ không thể quy riêng cho bị cáo.
Ông chủ Việt Á cho rằng kit xét nghiệm không phải là mặt hàng Nhà nước áp giá, mà theo giá thị trường, thuận mua vừa bán. Công ty Việt Á công bố giá bán kit xét nghiệm, đơn vị nào đồng ý thì mua. Việt Á sau đó nộp thuế cho Nhà nước. Việt Á không có nghĩa vụ chứng minh các khoản chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện VKS đã chỉ ra công văn của Bộ Tài chính xác định "lợi nhuận tối đa được phép của mặt hàng này không quá 5%". Trước thông tin này, bị cáo Phan Quốc Việt nói rằng không biết.
Đại diện VKS đã “nhắc” bị cáo đây là đề tài nghiên cứu của Nhà nước, là tài sản Nhà nước sở hữu, bị cáo thông đồng để biến thành tài sản của Công ty Việt Á. Do đó, không thể nói là cơ chế thị trường rồi bán giá bao nhiêu thì bán.
Về số tiền trong 54 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ và các con bị cáo Phan Quốc Việt, bị cáo Việt giải trình rằng số tiền này bị cáo chuyển cho mẹ vào năm 2021 và có nguồn gốc từ các hoạt động kinh doanh của Việt Á.
Theo bị cáo, Công ty Việt Á không chỉ kinh doanh kit xét nghiệm mà còn nhiều sản phẩm khác. Do đó, bị cáo Việt không đồng tình khi Tòa sơ thẩm xác định đây là tài sản có được từ việc bán kit xét nghiệm.
Đại diện VKS đã công bố lời khai của bị cáo tại CQĐT. Theo đó, bị cáo khai tiền chuyển vào sổ tiết kiệm của mẹ đẻ "là tiền có được từ bán kit xét nghiệm".
Xin được hưởng án treo
Tại phiên tòa, các bị cáo khác cũng xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày về hoàn cảnh cá nhân.
Bị cáo Ngụy Thị Hậu, cựu phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang, bị xử phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo trình bày bị cáo là lao động chính, mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, bố mẹ tuổi già, bị cáo đã nộp khắc phục thêm 30 triệu đồng và mong HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo.
Còn bị cáo Trần Thị Hồng, cựu kế toán trưởng, CDC tỉnh Nghệ An cũng bị xử phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng cũng xin được hưởng án treo. Bị cáo hiện đang nuôi con nhỏ mới sinh và đã khắc phục hậu quả thêm 200 triệu đồng.
Bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, người được xử 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Chủ tọa phiên tòa đã giải thích và yêu cầu bị cáo làm rõ nội dung kháng cáo là xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự hay xin miễn hình phạt.