Chuẩn bị tuyên án vụ sách giả mà ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ

(PLO)- Bị cáo Trần Hùng đã có mặt tại tòa; dự kiến 9 giờ sáng nay (27-7) TAND Hà Nội sẽ tuyên án vụ sách giả liên quan đến cáo buộc cựu Cục phó Quản lý Thị trường Trần Hùng nhận hối lộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 4 ngày làm việc và 5 ngày nghị án, sáng nay 27-7, dự kiến TAND Hà Nội sẽ tuyên án với 36 bị cáo liên quan tới vụ sản xuất, buôn bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát.

Vụ sai phạm này vốn được Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội thụ lý, phát hiện, nhưng quá trình giải quyết không đến nơi đến chốn.

Ông Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý Thị trường, bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng và bị VKS đề nghị mức án 9-10 năm tù.

Bị cáo Trần Hùng được dẫn giải vào phòng xét xử sáng nay. Ảnh: Phi Hùng

Bị cáo Trần Hùng được dẫn giải vào phòng xét xử sáng nay. Ảnh: Phi Hùng

Diễn biến liền trước đó, vào chiều 22-7, khi nói lời sau cùng trước toà, nhóm bị cáo bị xét xử về các tội sản xuất, buôn bán sách giả chỉ nêu các tình tiết giảm nhẹ, từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến việc đã nỗ lực khắc phục hậu quả, để xin hưởng mức án khoan hồng nhất.

Ở nhóm còn lại, ông Trần Hùng bị truy tố tội nhận hối lộ, Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) về tội môi giới hối lộ. Lê Việt Phương – Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17; Phạm Ngọc Hải cùng Thành Thị Đông Phương – đều là kiểm soát viên Đội QLTT 17 bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số này, 4 bị cáo nói lời sau cùng cũng nhận tội, bày tỏ ăn năn hối lỗi, xin hưởng hình phạt nhẹ nhất.

Chỉ duy nhất bị cáo Trần Hùng, từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam, cho đến ngày cuối cùng ở phiên sơ thẩm, đều một mực kêu oan, khẳng định không hề nhận 300 triệu đồng từ người môi giới Nguyễn Duy Hải, để giúp giảm nhẹ trách nhiệm cho Công ty Phú Hưng Phát của Cao Thị Minh Thuận.

Trong lời nói sau cùng, ông Trần Hùng còn nhắc đến Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền XHCN và đề nghị HĐXX thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng kết quả tranh tụng công khai tại tòa, để ra phán quyết nghiêm minh, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội.

Liên tiếp trong 2 ngày (21-7 và 22-7), tại phần tranh luận trước toà, các luật sư đưa ra bằng chứng để bào chữa cho ông Trần Hùng.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (trái) và Cao Thị Minh Thuận (phải) trong phòng xử, chờ tuyên án. Ảnh: Phi Hùng

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (trái) và Cao Thị Minh Thuận (phải) trong phòng xử, chờ tuyên án. Ảnh: Phi Hùng

Cụ thể, theo các luật sư phân tích, Nguyễn Duy Hải mặc dù có nhiều lời khai đã đưa cho Trần Hùng 300 triệu đồng đầu giờ chiều 15-7-2020, nhưng các thông tin liên quan lại bất nhất.

Cụ thể, bút lục lời khai ngày 15-9-2021, Hải khai chi tiết: Lúc 12 giờ 47 ngày 15-7-2020 gọi điện cho Nguyễn Mạnh Hà (người mà Thuận nhờ chuyển 300 triệu đồng) thông báo là đã đưa tiền cho Trần Hùng. Cuộc gọi được thực hiện khi Hải đang ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Nhưng tại phần xét hỏi ngày 21-7, trước tòa, Hải lại khai đưa tiền cho Trần Hùng vào lúc 13 giờ, sau khi đưa tiền thì về nhà luôn, không đi đâu cả. Như vậy là thiếu thống nhất với lời khai trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, thời gian mà Hải khai đưa tiền cho Trần Hùng cũng thiếu thống nhất, thay đổi liên tục trong khoảng thời gian từ 12 giờ 40 đến trước 14 giờ ngày 15-7-2020.

Do đó, luật sư đề nghị HĐXX làm rõ hơn thông tin liên quan đến thuê bao điện thoại của thân chủ cũng như của Hải. Qua đó làm rõ ông Hùng và Hải ở đâu từ 12 giờ 40 đến trước 14 giờ ngày 15-7-2020.

Bị cáo Trần Hùng trong phòng xét xử sáng nay. Ảnh: Phi Hùng

Bị cáo Trần Hùng trong phòng xét xử sáng nay. Ảnh: Phi Hùng

Luật sư cho biết họ đã chủ động thu thập dữ liệu thông tin về thuê bao điện thoại từ Mobifone.

Theo đó, thuê bao điện thoại của Trần Hùng các thời điểm 11 giờ 44, 12 giờ 32, 12 giờ 42, 12 giờ 59, 14 giờ 02, Trần Hùng đang ở quận Ba Đình.

Còn kết luận điều tra cũng như bút lục lời khai của Hải đều cho thấy lúc 12 giờ 14, 12 giờ 29, Hải đang ở quận Hoàn Kiếm. Đến thời điểm 13 giờ 19 và 13 giờ 42, Hải ở quận Hai Bà Trưng.

“Như vậy không thể có sự giao thoa về thời gian và địa điểm giữa thân chủ tôi và Nguyễn Duy Hải để đưa, nhận hối lộ 300 triệu đồng” - luật sư nhấn mạnh.

Đối đáp lại các luật sư, VKS cho rằng dù định vị cho thấy điện thoại của Trần Hùng ở thời gian xảy ra việc môi giới hối lộ, nhận hối lộ là ở quận Ba Đình chứ không phải phòng làm việc của Hùng tại trụ sở Tổng cục QLTT, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng không có nghĩa Trần Hùng ở ngay sát điện thoại ấy.

Với lập luận như vậy, bên buộc tội cho rằng, hệ thống các chứng cứ khác vẫn đủ cơ sở chứng minh Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng từ người môi giới Nguyễn Duy Hải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm