Chứng khoán Việt có nhiều cơ hội tăng điểm trở lại

(PLO)- Những “rung lắc” của thị trường chứng khoán Việt hiện chỉ mang tính tạm thời và khả năng sớm có dòng tiền mới vào thị trường này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-4, chỉ số VN-Index giảm phiên thứ sáu liên tiếp. Tính chung từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ số VN-Index đã mất đến hơn 140 điểm. Con số này phản ánh thị trường chứng khoán đang “rung lắc” dữ dội, tuy nhiên về dài hạn sẽ tăng trưởng tốt.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm ngưng bán tháo nếu danh mục không ở mức rủi ro cao, chờ nhịp hồi phục của thị trường để hành động. Ảnh: PM

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm ngưng bán tháo nếu danh mục không ở mức rủi ro cao, chờ nhịp hồi phục của thị trường để hành động. Ảnh: PM

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường

Trong tháng 4 đã có nhiều dấu ấn rất đặc biệt với thị trường chứng khoán. Đó là ngày 4-4, chỉ số VN-Index đạt mức cao lịch sử là 1.524 điểm. Nhưng cũng trong tháng 4 này, liên tiếp các sự kiện bắt giam nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vì thao túng chứng khoán đã đẩy thị trường lao dốc rất mạnh và kéo chỉ số VN-Index rớt khỏi mốc 1.400 điểm.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, nhìn nhận các sự kiện như bắt lãnh đạo các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh và mới nhất là Louis Holding đã có tác động đến thị trường chứng khoán. Các vụ việc này khiến các nhà đầu tư lo lắng bán tháo các cổ phiếu có tính chất đầu cơ. Tâm lý tiêu cực cũng gia tăng khắp thị trường làm ảnh hưởng chung đến các cổ phiếu khác.

Thị trường chứng khoán VN đang có nhiều cơ hội hấp dẫn vì đang được định giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.

“Ngoài ra, nhiều thông tin không tốt như chiến sự Nga và Ukraine khiến chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản bị gián đoạn, gây nguy cơ lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng mạnh lãi suất, chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc cũng tác động đến kinh tế toàn cầu…, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường chứng khoán VN” - ông Andy Ho nói.

Một thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV cho thấy đến cuối năm 2021, khối lượng margin (nhà đầu tư vay tiền của công ty chứng khoán) của thị trường đạt khoảng 174.000 tỉ đồng, tương đương 7,5 tỉ USD. Với khối lượng margin như vậy, khi thị trường quay đầu giảm điểm dẫn đến áp lực rất lớn. Nhiều nhóm cổ phiếu vốn mang tính dẫn dắt thị trường như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… đều giảm sâu.

Giai đoạn hiện tại, thị trường đã có ba lần giảm 3%-6% khi xảy ra các vụ việc Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chiến sự Ukraine và Nga. Một trong những yếu tố để thị trường muốn tăng điểm trở lại là phải chờ khối ngân hàng phục hồi, vì cổ phiếu dòng này vốn chiếm hơn 30% giá trị vốn hóa toàn thị trường.

VN-Index mất điểm

Phiên giao dịch ngày 21-4, chỉ số VN-Index mất đến 15 điểm, rớt xuống 1.370 điểm. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, thị trường giảm điểm mạnh chủ yếu do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ, đồng thời bị sức ép giải chấp cổ phiếu đến từ các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, thị trường rớt mạnh phiên ngày 21-4 còn vì hiệu ứng việc bắt giam ông Đỗ Thành Nhân (chủ tịch HĐQT Louis Holdings) vì tội thao túng chứng khoán vào tối muộn 20-4. Trả lời báo chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá vụ việc thao túng giá của ông Nhân là rất phức tạp và gây tác động đến thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis”. Đơn cử như phạt Louis Holdings hơn 161 triệu đồng do giao dịch vượt quá giá trị đăng ký và đình chỉ giao dịch chứng khoán hai tháng.

Cơ hội mới

Giám đốc điều hành VinaCapital Andy Ho cho rằng nhìn về yếu tố tích cực, việc xử lý các hành vi sai phạm của nhiều cá nhân trên thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý nhà nước chính là đem lại sự trong sạch và lành mạnh cho thị trường chứng khoán, giúp gia tăng niềm tin, sàng lọc doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thị trường có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững.

Mức tăng trưởng kinh tế 6%-7%/năm của Việt Nam (VN) là rất hiếm trên thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến điều này và đưa VN vào danh mục cơ hội đầu tư lớn. Mặt khác, thị trường chứng khoán VN đang có nhiều cơ hội hấp dẫn vì đang được định giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.

Đơn cử như ngày 20-4, VN-Index có mức P/E năm 2022 là 12,2 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình năm năm gần nhất là 14,5 lần. Theo thống kê của Bloomberg, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán VN được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22% trong năm 2022. Đây là động lực quan trọng nhất để thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng việc thị trường đang giảm điểm là cơ hội mua vào những cổ phiếu tốt, có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Bởi vì trong dài hạn, thị trường chứng khoán đi lên cùng kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế VN được các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng GDP 5%-6% trong năm nay. Những “rung lắc” hiện chỉ mang tính tạm thời và khả năng sớm có dòng tiền mới vào nâng đỡ thị trường. Chẳng hạn, khối ngoại đang mua ròng hơn 1.500 tỉ đồng trong một tuần vừa qua.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng để loại bỏ các biến động trong ngắn hạn như hiện nay, nhà đầu tư nên mua và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài thay vì thực hiện giao dịch liên tục. Ngoài ra cần tìm hiểu kỹ về các cổ phiếu muốn đầu tư, có một chiến lược đầu tư xây dựng trên các yếu tố căn bản của công ty, phù hợp với mức độ chịu rủi ro và điều kiện tài chính của mình.•

Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường chứng khoán

Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước VN theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.

Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

“Thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư. Qua đó để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm