Chuyện áo ‘fake’ của U-23 Việt Nam

Rõ ràng là khi việc bảo vệ nhãn hàng và bảo vệ người tiêu dùng còn khá lỏng lẻo, đồng thời thói quen dùng hàng nhái trở nên chuyện thường ngày thì chiếc áo “fake” trong những buổi giao lưu xuất hiện nhan nhản lại trở nên chuyện lớn.

Có lẽ nhà tài trợ trang phục áo đấu cho các đội tuyển Việt Nam Grand Sport cũng khá bất ngờ với sự cuồng nhiệt của người hâm mộ và cũng bất ngờ cả với việc áo “chính chủ” có lúc bị thua ngay cả trên các sân khấu lớn trong buổi đón tiếp hay mừng công U-23 Việt Nam.

Chia sẻ với tôi, các MC trong nhiều chương trình liên quan đến chào đón đội U-23 Việt Nam nói thẳng rằng nhiều lúc họ cứ khoác lên và đơn giản chỉ nghĩ rằng đó là áo của đội tuyển mà không ngờ rằng đó cũng là cách gián tiếp “cổ vũ hàng nhái”.

Ở các CLB hay các đội tuyển, doanh thu bán áo đấu (tất nhiên là áo chính hãng) đã trở nên nguồn thu lớn của đội bóng. Trong khi đó ở ta thì biết bao nhà sản xuất xác định là thua trên sân nhà vì 1.001 loại áo nhái đè hết cả áo “chính chủ”, chính hãng.

Qua sự kiện chào đón U-23 Việt Nam, bóng đá Việt bỗng lộ ra nhiều khoản mà đụng đâu cũng thấy hở. Từ chuyện hủy vé về đi máy bay “miễn phí” và buộc phải xem “show độc” đến chuyện cầu thủ bị khai thác thương quyền rồi lòi ra các bản hợp đồng tùy tiện mà các ông chủ CLB luôn nắm đằng chuôi. Giờ đến việc VFF cấp tốc ra thông báo việc các đội tuyển thuộc “quyền” của VFF rồi sang đến những chiếc áo “fake” vô tư lên sàn diễn chính…, lại còn nhiều thông tin “fake” được lan tỏa mất kiểm soát để rồi chính VFF lại phải cất công đi giải thích với các cơ quan truyền thông.

Cũng may là nhờ một sự kiện thật mà lòi ra quá nhiều “hàng nhái”, hàng “fake” để nắn chỉnh và cả giật mình ngộ ra: “Ồ, lâu nay có ai để ý chuyện dùng quá liều hàng “fake”!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm