Theo chân nhân viên chăm sóc động vật Nguyễn Đức Trọng vào thăm các con thú đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), chúng tôi nghe nhiều hơn về hành trình của mỗi cá thể khi đến đây. Đằng sau mỗi con vật đều có một câu chuyện riêng khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Hope là tên mọi người trìu mến đặt cho bạn khỉ đuôi lợn này. |
Bạn khỉ đuôi lợn được trung tâm mang về trong tình trạng bị dính bẫy siết chặt ở phần chi dưới, mất nhiều máu và có dấu hiệu hoại tử, sức khỏe suy kiệt gần như không vận động được. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ thú y ở trung tâm buộc phải tiến hành bỏ một phần chi dưới để bảo toàn mạng sống cho bạn ấy. Hiện tại, Hope đã bình phục vết thương và ăn uống bình thường.
Với việc mất đi gần như nửa chân trái, việc di chuyển là một điều rất khó đối với Hope khi về tự nhiên. Sau nhiều lần thả, Hope bị cộng đồng đánh đuổi ra khỏi khu vực tái thả, do đó Hope ở lại với trung tâm dưới sự chăm sóc tận tình của nhân viên nơi đây đến hết đời.
Con khỉ mặt đỏ này là nạn nhân của việc mua bán động vật hoang dã trái phép. |
Ở trung tâm đến nay được 8 năm, chú khỉ mặt đỏ hiện khoảng 15 tuổi có hành trình khá ly kỳ. Chú được giải cứu từ một vụ mua bán động vật hoang dã trái phép khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, được lực lượng kiểm lâm đưa về đây.
Lúc mới tiếp nhận, chú khỉ mặt đỏ đang bị nhốt trong một cái lồng chật hẹp, sức khỏe rất yếu lại thêm tiêu chảy cấp, mất nước. Bên cạnh đó, một bạn đi cùng chú đã chết trước khi được cứu hộ nên lúc đầu về trung tâm chú rất hoảng loạn, trầm cảm, không ăn uống gì nhiều. Sau ba tháng được chăm sóc thì chú đã vận động linh hoạt hơn và ăn uống bình thường, tâm lý phần nào đã ổn định.
Đã nhiều lần trung tâm đã mang chú khỉ mặt đỏ tái thả vào rừng tự nhiên nhưng vì quá già nên chú không thể hòa nhập với đàn và bị đánh đuổi ra khỏi khu vực. Qua nhiều lần như thế, trung tâm quyết định nuôi phúc lợi để chú dưỡng già ở nơi đây.
Rái cá vuốt bé là loài rái cá nhỏ nhất thế giới với cân nặng nhỏ hơn 5 kg. |
Rái cá vuốt bé được mọi người ở trung tâm gọi với cái tên là “Chồn” vì một phần thuộc họ chồn, một phần do lúc còn nhỏ phải sống nhờ vào chuồng của chồn hương (do chưa có chuồng riêng cho bé). Bé rái cá tới với trung tâm lúc còn chưa mở mắt được bác sĩ thú y và nhân viên chăm sóc phải thay nhau chăm sóc. Bé được cho uống sữa hai tiếng một lần bất kể ngày đêm liên tục trong vòng một tháng.
Rái cá là sống theo bầy đàn, nhóm gia đình, cả bố và mẹ đều chăm sóc con cái. |
Trong thời gian tới, trung tâm mong muốn sẽ trao đổi bé từ các đơn vị hiện có loài này để tìm bạn tình cho nó. Bên cạnh đó, trung tâm dự kiến sẽ phải sửa chữa chuồng, mở rộng không gian sinh hoạt. Mục đích tạo điều kiện hình thành gia đình, bầy đàn và huấn luyện bản năng sinh tồn cho chúng đủ điều kiện để sớm tái thả về với tự nhiên, ngôi nhà thực sự của chúng.
Cầy mực được trung tâm tiếp nhận từ Hạt Kiểm Lâm huyện Lộc Ninh, Bình Phước, do người dân chủ động giao nộp. |
Cầy mực được mọi người ở đây gọi với cái tên gần gũi là "Mèo Lười". Trước đây chú được người dân nuôi nhốt làm cảnh trong cái chuồng chật hẹp, không có không gian vận động, chính vì thế Mèo lười càng lười, chỉ ăn và nằm. Do thời gian nuôi nhốt lâu, chú gần như mất đi tập tính leo trèo, ngủ trên cây, săn tìm thức ăn dưới nước...
Khi tiếp nhận, trung tâm kiểm tra y tế thì thấy Mèo lười có biểu hiện của béo phì, da bị nấm loét, hoảng loạn khi gặp người lạ, lười vận động. |
Sau thời gian chăm sóc, đến nay Mèo Lười đã ổn định hơn về tinh thần và thể trạng, cơ thể thon gọn nhanh nhẹn hơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ điều kiện để tái thả về rừng tự nhiên. Dự kiến chú sẽ còn phải sống ở trung tâm lâu dài.
Hai bạn Vượn đen má vàng được trung tâm tái thả cách đây khoảng hai tuần. |
Hiện tại, trung tâm vừa tái thả hai bạn vượn đen má vàng thuộc loài linh trưởng. Hiện tại, các nhân viên vẫn thường xuyên mang thức ăn vào rừng để bổ sung thêm cho chúng. Đặc trưng của loài này là sống thành từng nhóm nhỏ như một gia đình, đu lượn trên các cành cây, dùng tay là chủ yếu. Loài này có sải tay chuyền từ cành này sang cành khác có thể lên đến 5-7m.
Huấn luyện linh trưởng trước khi tái thả giúp chúng dễ dàng thích nghi với môi trường tự nhiên. |
Tuy nhiên, trung tâm chưa có không gian thích hợp để huấn luyện loài linh trưởng trước khi tái thả. Do vậy, chúng chưa phát huy được hết sức của mình, mỗi lần có thói quen chỉ di chuyển ngắn hoặc di chuyển bằng chân. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm cho chúng khi ở ngoài môi trường tự nhiên.
Hiện trung tâm đang hướng tới xây dựng thêm một đến hai chuồng có diện tích 100-150m2 nhằm hỗ trợ cho công việc huấn luyện linh trưởng trước khi tái thả.
Theo anh Nguyễn Đức Trọng, việc nuôi nhốt động vật hoang dã với bất kỳ mục đích nào cũng chính là tiếp tay cho việc làm mất đi khả năng sinh tồn của chúng ngoài tự nhiên. Hãy để chúng được sống và làm tròn trách nhiệm của mẹ thiên nhiên giao phó.
Anh Nguyễn Đức Trọng, nhân viên chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Bù Gia Mập. |
Bên cạnh du khách đến tham quan, có các tình nguyện viên đến phụ giúp công việc chăm sóc thú ngày càng nhiều. Đây đều là các bạn yêu thiên nhiên, động vật, mong muốn góp sức để chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Các tình nguyện viên sẽ được trải nghiệm trực tiếp cùng làm việc như một nhân viên chăm sóc động vật hoang dã thực thụ như: vệ sinh chuồng thú, cho thú ăn, trồng rau, cắt cỏ…