Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhìn nhận Euro mùa này tôn vinh trường phái thực dụng, không thấy dáng dấp của sự lãng mạn cũ đầy quyến rũ người yêu bóng đá. Ông Xương nói về chuyên môn của tất cả đội tuyển chủ yếu dựa vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật áp dụng vào bóng đá khiến cho yếu tố bất ngờ không còn đất sống.
Chúng ta thấy rõ Euro không có bất ngờ như kiểu Hy Lạp, Đan Mạch từng vô địch châu Âu nữa. Đội bóng nào mạnh là mạnh, yếu là yếu. Lối chơi thực dụng lên ngôi với phương châm trước khi thắng thì đừng để lọt lưới.
Trong số các đội bóng dễ dàng qua vòng bảng, tôi ấn tượng với đội tuyển Ý hiếm hoi có những nét mới, không phải kiểu đá phòng ngự Cantenaccio khô khan nữa. Các học trò ông Mancini chơi giàu sức sống với cách đá pressing gây áp lực mạnh mẽ, bóp nghẹt không gian và thời gian của đối phương. Người Ý tấn công cũng bài bản, ghi dấu ấn chuyên môn rõ rệt bằng lối tấn công tổng lực hấp dẫn.
Gây thất vọng nhất là Tây Ban Nha. Tiền đạo của họ yếu và nền tảng thể lực cả đội kém. Tương tự, tuyển Anh chơi cũng hết sức nhàm chán dẫu có đầy tài năng trẻ. Cứ xem cái cách người Anh chỉ cần ghi một bàn thắng là trận đấu đóng lại. Có lẽ họ muốn rút sợi dây kinh nghiệm khi chỉ về hạng ba Euro 2016 bằng lối chơi không cần cống hiến nữa.
Tuyển Pháp cũng không còn dám chơi một thứ bóng đá lãng mạn mà toan tính rất lạnh lùng với chiến thắng không quá cách biệt. Thật ra, với những người làm nghề như tôi luôn tôn trọng họ nhưng có thể vẫn chọn lối chơi chắc ăn như thế còn hơn là ghi nhiều bàn thắng mà thua. Còn với khán giả lại rất thích các đội đá cống hiến và ghi bàn nhiều hơn.
Đội tuyển số một thế giới Bỉ không khác gì các đồng nghiệp sa vào cách đá thực dụng là trên hết, có thể họ vừa đá vừa điều chỉnh khi những át chủ bài Bruyne, Hazard vừa hồi phục chấn thương.
Nói chung, hầu hết đội bóng đều chọn cách phòng ngự số đông khiến cho tính đặc trưng của họ mai một đi. Trước kia, nói đến chơi phòng ngự chặt chẽ là người ta nghĩ ngay đến Ý, hay tấn công tổng lực là Hà Lan. Còn bây giờ, đội nào cũng biết chơi phòng ngự phản công và lấy cách chơi ấy làm chủ đạo. Như pha ăn bàn của tuyển Pháp nhờ thủ môn Lloris phát một quả bóng dài phản công giúp Griezmann ghi bàn vào lưới Hungary.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá cao tập thể Ý về cả lối chơi lẫn tinh thần có sự mới mẻ, sáng tạo. Ảnh: UEFA
Theo tôi thấy, những đội có chân chuyền cuối cùng sắc sảo luôn chiếm ưu thế tấn công, như kiểu Drogba của Pháp, Luca Modric của Croatia, tài năng trẻ Philip của Anh, hay chiến binh kỳ cựu Toni Kroos của Đức, Bruyne của Bỉ, cộng với thủ môn hay là… ăn tiền.
Tại vòng đấu loại trực tiếp, tôi nghĩ các đội tuyển có nội lực và truyền thống vẫn chiếm áp đảo, như người Đức trong giai đoạn chuyển giao thế hệ vững vàng với trục thủ môn Neuer - Hummesl - Kroos - Muller, cùng lứa trẻ kiểu Kimmich càng đá càng ổn định; Pháp luôn ổn định cao đến mức nhàm chán nhưng khó đánh bại họ; tuyển Ý có tính kết dính, thể lực sung mãn hay Bỉ dồi dào năng lượng đều có cửa lớn vào sâu.
Các đội bóng chiếu dưới, tôi thấy có Thụy Điển và Đan Mạch có thể gây khó khăn cho các đội nhóm trên, dù muốn đi sâu hơn thật khó. Còn những đội Áo, Xứ Wales, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Hà Lan... không ăn thua.
Doping tiền thưởng Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng Euro mùa này chọn thêm bốn đội hạng ba có thành tích tốt đi tiếp vào vòng sau là phù hợp, để tăng thêm nhiều trận đấu trong mùa dịch COVID-19 và bảo đảm yếu tố thương mại cho các nhà bảo trợ cuộc chơi. Ông mong mỏi ở các vòng đấu knock out sẽ lôi cuốn hơn vì mục tiêu giành tiền thưởng càng đi sâu càng nhiều, hay như phần thưởng cho nhà vô địch cao đến 370 triệu euro. Bên cạnh đó, công tác tổ chức vòng bảng kiểu mới ở 12 quốc gia khác nhau cũng có những lợi ích riêng, do những nước phát triển chống dịch khoa học, chỉ có khán giả âm tính mới vào sân. Họ tính toán rất kỹ lưỡng với sự sàng lọc chu đáo, như khi cầu thủ của Scotland dương tính với COVID-19 trong trận đấu với Anh cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc chơi chung. |