Chuyên gia: Vaccine Sinovac kết hợp Pfizer/BioNTech tạo khả năng miễn dịch cao

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu Hong Kong cho biết những người được tiêm hai mũi vaccine CoronaVac của hãng dược Trung Quốc Sinovac sẽ có khả năng miễn dịch “cao hơn đáng kể” nếu họ chọn vaccine Pfizer/BioNTech làm liều bổ sung.

Theo kết quả nghiên cứu, loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech kết hợp sản xuất cùng tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer đã tạo ra mức “kháng thể trung hòa đặc hiệu” cao hơn rõ rệt, đem lại 95% mức độ hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta so với mức 48% từ vaccine Sinovac.

Các phát hiện trên, được công bố hôm 4-11, sẽ tạo điều kiện cho người dân Hong Kong lựa chọn tiêm liều thứ ba bằng vaccine Pfizer/BioNTech trong bối cảnh chính quyền đặc khu chuẩn bị khởi động chương trình tiêm mũi bổ sung. 

Người dân Hong Kong xếp hàng chờ để được hướng dẫn vào tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: SCMP

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm liều tăng cường cho những người có kháng thể thấp sau khi tiêm CoronaVac trước đó sẽ giúp họ tăng khả năng sinh miễn dịch cao hơn đáng kể so với việc chọn tiêm liều thứ ba bằng CoronaVac” - nhóm chuyên gia cho hay.

Được chính quyền Hong Kong tài trợ, nghiên cứu do các giáo sư David Hui Shu-cheong và Malik Peiris đứng đầu đã tiến hành với sự tham gia của 80 tình nguyện viên tham gia có độ tuổi từ 34 đến 73 trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua.

Tất cả những người tham gia, đều đã được tiêm hai mũi CoronaVac trước đó, được chia thành hai nhóm, một nửa được tiêm mũi bổ sung vaccine Pfizer/BioNTech và nửa còn lại tiêm vaccine của Sinovac.

Các nhà nghiên cứu Hong Kong cho biết kết hợp tiêm liều bổ sung vaccine Pfizer/BioNTech cho những người tiêm hai mũi vaccine của Sinovac sẽ đem lại mức độ kháng thể cao hơn. Ảnh: SCMP

Một tháng sau khi tiêm liều thứ ba, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức phản ứng kháng thể “cao hơn đáng kể” ở những người được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech.

Cụ thể, mức độ miễn dịch chống lại các biến thể Delta, Gamma và Beta mà vaccine Pfizer/BipNTech đem lại lần lượt là 95,33%, 92,51% và 92,29%. Trong khi đó, tỉ lệ phần trăm tương ứng đối với vaccine của Sinovac là 48,87%, 32,22% và 38,79%.

Giáo sư Hui cho biết kết quả nghiên cứu trên đang được Tạp chí Y học Mỹ xem xét để công bố, SCMP đưa tin.

Một nghiên cứu trước đó ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc 68 nhân viên y tế được tiêm kết hợp vaccin Sinovac với Pfizer/BioNTech cho thấy phản ứng protein, một công cụ quan trọng để hạn chế sự xâm nhập của virus, tăng 46,6 lần so với 1,7 lần từ Sinovac.

Người dân Hong Kong xếp hàng chờ để được hướng dẫn vào tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: SCMP

Chuyên gia về hô hấp người Trung Quốc, Tiến sĩ Leung Chi-chiu cho biết ông tin rằng nghiên cứu này có thể giúp thuyết phục người dân đi tiêm vaccine, đặc biệt đối với những người có khả năng bảo vệ thấp vì bị suy giảm hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần có thêm thời gian nghiên cứu để xem mức độ bảo vệ sẽ tăng lên như thế nào sau sáu tháng hoặc một năm, khi khả năng miễn dịch suy giảm trong thời gian dài hơn.

Ông cũng cảnh báo việc thử nghiệm trên 80 người là còn quá ít để có thể phản ánh đầy đủ sự xuất hiện hoặc mức độ nghiêm trọng của các phản ứng phụ tiềm ẩn khi tiêm bổ sung loại vaccine khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm