Thời gian gần đây, thông tin Việt Nam có thể là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được báo chí quốc tế và trong nước đề cập rất nhiều lần.
Mới đây (13-1), hãng Thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn tin từ báo Nhật Yomiuri Shimbun cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào giữa tháng hai tới đây và mong muốn Việt Nam là địa điểm diễn ra cuộc gặp Mỹ - Triều.
Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Hải Đăng, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM xung quanh vấn đề này.
Việt Nam có phải sự lựa chọn khả thi nhất?
. Phóng viên: Truyền thông Hàn Quốc và Mỹ đề cập nhiều đến việc Việt Nam (VN) có thể là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo ông, tiêu chí nào để VN trở thành lựa chọn khả thi nhất cho thượng đỉnh Mỹ - Triều?
+ TS Bùi Hải Đăng: Ở góc độ báo chí, họ nhắc đến nhiều địa điểm khả thi khác nhau, và tuỳ theo thời điểm lại có sự thay đổi. Ban đầu là khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, quần đảo Hawaii, Mông Cổ, Indonesia, sau lại có khảo sát ở Thái Lan, gần đây nhất lại nhắc đến Singapore. Theo góc độ này, thì VN có tính khả thi cao nhất vì luôn được báo giới đề cập trong tất cả các kịch bản. Thậm chí đến hiện nay chỉ còn hai địa điểm, thì tin tức từ Singapore vẫn nhắc đến VN.
Trên thực tế, theo tôi, đây là một lựa chọn sẽ được quyết định vào phút cuối, dựa trên các tiêu chí khắt khe nhất từ (i) tính thân thiện, (ii) kinh nghiệm tổ chức hội nghị, (iii) khoảng cách với Triều Tiên (do chuyên cơ của lãnh đạo Triều Tiên chỉ cho phép bay an toàn trong phạm vi 5.000 km) cho đến (iv) tính biểu tượng và (v) tính kết nối. Trong đó, rõ ràng chỉ có VN thoả mãn được đầy đủ cả 5 tiêu chí trên.
Tổng thống Trump (phải) gặp người đồng cấp Triều Tiên tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP
Đầu tiên, VN (i) có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Triều Tiên, đồng thời cũng có mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ (và cả đối tác chiến lược với Hàn Quốc), (ii) VN gần đây liên tục tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn và có những địa điểm đảm bảo về an ninh (như bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) phù hợp với yêu cầu nghiêm ngặt nhất của các bên, (iii) khoảng cách chưa đến 4.000 km.
Đối với tiêu chí (iv), VN từng là biểu tượng của hoà bình cho phong trào phản chiến quốc tế sau Hiệp định Paris 1972, sau đó còn là biểu tượng cho công cuộc hàn gắn chiến tranh hai miền Nam – Bắc, và là biểu tượng cho tiến trình hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế khi thực hiện chính sách Đổi Mới từ năm 1986.
Nếu diễn ra ở VN, Triều Tiên không chỉ có nền tảng để tăng cường tính kết nối (v) với ASEAN, mà còn có thể dựa trên các kinh nghiệm của chiến lược FTA mà VN đang thực hiện để tạo bước đệm tham gia vào tiến trình tự do thương mại nói chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lợi ích không nhỏ
. Theo ông, nếu được đăng cai hội nghị này, hình ảnh VN trong khu vực và trên thế giới sẽ thay đổi như thế nào?
+ Tuy vẫn chưa có quyết định chính thức về việc này, và việc tổ chức một Hội nghị để giải quyết xung đột có tính di sản từ thời Chiến tranh Lạnh như vậy thực sự sẽ mang đến cho VN nhiều lợi ích.
Thứ nhất, đây sẽ là cột mốc về thương hiệu quốc gia khi lần đầu tiên VN được nhìn nhận như một trung tâm hoà giải xung đột quốc tế hiếm hoi ở Đông Nam Á, giúp phát huy tối đa lợi thế của chủ trương ngoại giao cân bằng mà Việt Nam đang tích cực triển khai.
Đây sẽ là tiền lệ để VN có thể giảm tải cho Singapore trong việc tổ chức các Hội nghị hoà giải sắp tới, và tạo dư địa để kiến tạo những kênh đối thoại mới của riêng VN trong nhánh đối ngoại về quản lý xung đột – một nền tảng giúp VN nhanh chóng trở thành “mẫu số chung về ngoại giao” đối với các bên xung đột ở châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
TS. Bùi hải Đăng. Ảnh: NVCC
Thứ hai, việc tổ chức sẽ càng củng cố thêm biểu tượng hoà bình quốc tế của VN, đặc biệt sau khi Toà án Quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) vừa tuyên bố tội ác diệt chủng của lực lượng này, giúp VN được hoá giải những hiểu lầm trong lịch sử khiến cho thế giới mất niềm tin vào biểu tượng hoà bình của VN ngay trước đó.
Thứ ba, với một Hội nghị hoà giải có nhiều triển vọng tích cực như vậy, VN sẽ trở thành đầu mối quan trọng trong việc gắn kết Triều Tiên với ASEAN về sau, góp phần xây dựng một Cộng đồng Kinh tế Đông Á phồn thịnh không còn di sản nào của thời kỳ Chiến tranh Lạnh trên lục địa. Đây là lợi thế lớn nhất giúp kiến tạo môi trường hoà bình cho khu vực, mà VN cũng như mỗi quốc gia thành viên Đông Á sẽ hưởng lợi rất lớn.
Thách thức lớn
. Nếu VN không được đăng cai thì có thể vì lý do gì?
+ Đây là phần thách thức cho VN, và cũng là lý do vì sao Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 đã không chọn VN.
Thứ nhất, việc tổ chức Hội nghị hoà giải ở đây có thể sẽ tạo không gian lịch sử không thuận về dư luận cho phía Mỹ.
Thứ hai, VN là nước xã hội chủ nghĩa, nên sẽ bất lợi cho Tổng thống Trump đối với dư luận trong nước, nhất là sau bài phát biểu của ông trước Liên Hợp Quốc trước đây có hàm chứa nội dung không tích cực về các nước xã hội chủ nghĩa.
Tổng thống Trump (trái) và lãnh đạo các nước tại Việt Nam 2017. Ảnh: REUTERS
Thứ ba, Triều Tiên cũng đang cần gửi đi một “thông điệp hoà bình mang tính trung lập” để tạo tiền đề cho các hợp tác phi chính trị, trọng kinh tế giai đoạn sau. Tiêu chí trung lập này chính là lý do chủ đạo khiến Mỹ và Triều Tiên có thể chọn lại địa điểm ở Singapore (sẽ khó chọn Thái Lan được vì cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở nước này ngay trong quý I/2019).
Tiêu chí trung lập rất quan trọng, vì liên quan đến các ảnh hưởng ngoài mong đợi từ Trung Quốc – quốc gia đang muốn sử dụng ván cờ Triều Tiên để gây sức ép lên các điều khoản đàm phán thương mại với Mỹ.
Cả VN và Triều Tiên đều là hai quốc gia láng giềng có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nên sẽ là một kịch bản không đáng mong đợi cho Trung Quốc khi cùng một lúc cả hai nước này đều tăng cường quan hệ với chính phủ Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump.
. Xin cám ơn ông!
Sẽ còn nhiều bất ngờ nhưng triển vọng là tích cực Theo quan điểm của chính phủ Mỹ, cả hai phía đều đang đàm phán rất tích cực theo đúng lộ trình đề ra. Thậm chí ông Trump cũng khẳng định đã xây dựng được quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Kim Jong-un, nên dư địa của Thượng đỉnh lần 2 này sẽ rất lớn. Phía Mỹ cũng đã đưa ra Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA) vào đầu năm 2019 trong đó lần đầu đề cập rõ quy trình pháp lý để giải toả cấm vận với TT từ phía Mỹ (trong trường hợp TT thực hiện đúng cam kết phi hạt nhân hoá). Đổi lại, trong buổi tuyên bố thông điệp năm mới năm 2019, lãnh đạo tối cao của TT, Kim Jong-un “gây sốt” truyền thông phương Tây khi lần đầu tiên vận vest trước ống kính hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) – một biểu tượng cho sự giao thoa văn hoá dễ thu hút được cảm tình của phương Tây. TT cũng tái cam kết không sản xuất, sử dụng vũ khí hạt nhân, khẳng định tuân thủ lập trường phi hạt nhân hoá toàn diện và minh chứng một năm 2018 không có bất kỳ một vụ phóng thử tên lửa hay hoạt động quân sự nào đe doạ các nước láng giềng. Trong thời gian các cuộc đàm phán hậu trường đang diễn ra, nhưng thái độ và thông điệp hai phía Mỹ - Triều truyền tải cho nhau ở cấp nguyên thủ vẫn giữ được sự thân thiện và tinh thần xây dựng. Có thể thấy tuy triển vọng của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ, nhưng triển vọng rất tích cực. |