Trong một tiệm may nhỏ ở quận 1, TP.HCM, cụ Lê Thị Mộng Đào (79 tuổi) ngày ngày vẫn miệt mài bên bàn may. cụ như thổi vào mỗi chiếc áo dài sự khéo léo, công phu và hơn cả là một tình yêu lớn.
Với áo dài, chồng yêu từ cái nhìn đầu tiên
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Đào bồi hồi nhớ lại những ngày còn tấm bé được mẹ may cho chiếc áo dài màu đỏ, rồi được cha dẫn đi chụp ảnh Tết. “Lúc ấy tôi không thích áo dài nên mặt cứ xị xuống, cha tôi phải đến hất mặt tôi lên mới chụp được tấm ảnh” - cụ kể.
Sinh ra trong một gia đình theo Nho giáo tại cố đô Huế, ông nội của cụ Đào lại làm quan trong triều Nguyễn nên cụ làm quen với áo dài từ rất bé. cụ nói phụ nữ xưa bước ra khỏi nhà hầu như đều chọn mặc áo dài, bởi khó có một chiếc áo nào khác vừa tôn lên nét đẹp, sự dịu dàng, vừa kín đáo vừa trang nhã cho người phụ nữ ngoài tà áo dài. “Sau này vào Sài Gòn, tôi học sư phạm, chính công việc lại giúp tôi có thêm cơ hội gắn bó cùng áo dài. Và cái ấn tượng đầu tiên của người bạn đời khi gặp tôi cũng là nét đẹp dịu hiền bên tà áo dài trong một lần tình cờ đi lễ chùa”.
“79 tuổi, cả cuộc đời tôi gắn bó gần như trọn vẹn cùng áo dài, cả chuyện vui lẫn buồn. Áo dài trở thành cái gì đó rất riêng để mọi người nhận ra tôi. Áo dài đem đến một cảm giác gần gũi và thoải mái” - cụ Đào tâm tình.
Từ chỗ không thích rồi bị mẹ ép mặc qua mấy mươi năm, tà áo dài trở nên gắn bó với cụ Đào từ công việc đơn giản là đi chợ, đi dạy đến những dịp trọng đại của bản thân, bạn bè. Theo cụ, nếu hỏi những người hàng xóm tên cụ Đào có thể họ không biết nhưng nếu nói “bà thường mặc áo dài” là mọi người biết ngay.
Để có được vóc dáng đẹp trong tà áo dài, cụ Đào cho biết cụ không có một bí quyết gì mà cụ chỉ thường xuyên tập thể dục, đi bộ và vận động nhiều. “Thật sự chính vì được mặc áo dài từ bé đã giúp tôi có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe” - cụ Đào cho biết.
Ở tuổi 79 cụ Đào vẫn miệt mài may áo dài cho khách mỗi ngày. Ảnh: TP
Những năm 1990, ở tuổi 55 sau 30 năm với nghề gõ đầu trẻ, cụ Đào về hưu và chọn theo nghề may áo dài. Với cửa tiệm nhỏ nằm trong khuôn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, mỗi ngày cụ lại có thêm một, hai khách hàng mới đến thuê hay nhờ cụ may áo dài với giá bình dân, cốt yếu là cụ yêu thích cái nghề này bởi nó giúp cụ nối dài tình yêu với tà áo truyền thống của dân tộc. Đến nay cửa tiệm của cụ Đào đã có đến vài trăm chiếc áo dài cho khách thuê mướn, đó là chưa kể đến số áo cụ đã may cho khách trong gần 20 năm qua. Nhưng riêng cụ chỉ có hơn chục chiếc áo dài, mỗi ngày khách đến tiệm lại thấy cụ mặc áo dài.
“May áo dài không khó, mà khó ở cái tâm người may, từ đo, cắt vải đến thêu hoa, đính ngọc đều phải làm một cách tỉ mỉ, khéo léo sao cho vẫn giữ được nét truyền thống, dù có phá cách nhưng không quá đà mà vẫn làm người mặc ưng ý” - cụ Đào cho hay.
“Đi thi vì muốn thách đố bạn trẻ mặc áo dài”
Khi nghe chúng tôi hỏi đến lý do tham dự cuộc thi Duyên dáng áo dài 2019, cụ Đào chia sẻ từ đầu cụ nghĩ đây là cuộc thi cho giới trẻ nhưng đến năm vừa rồi cụ lại thấy có một phụ nữ trên 60 tuổi đi thi và được trao giải thí sinh cao tuổi nhất. Từ đây cứ thôi thúc cụ phải đi thi, như một cách để kêu gọi mọi người quay lại với áo dài.
“Đi thi tôi cảm thấy rất vui bởi mình già như vậy mà còn dám mặc áo dài tham dự một cuộc thi lớn thì hẳn nhiên các bạn trẻ càng có hứng thú, coi như tôi thách đố giới trẻ mặc áo dài vậy. Tôi mong không chỉ giới trẻ mà mọi người đều yêu quý chiếc áo này và mặc nó thường xuyên hơn” - cụ Đào nói.
Lúc đi thi cụ Đào cũng chẳng cần học đi, học đứng ra sao, bởi cụ nghĩ duyên dáng áo dài là những gì thường trực nhất với cụ hằng ngày, mỗi ngày cụ vẫn mặc áo dài như thế, vẫn dáng đi như thế thì giờ lên sân khấu cụ cứ như vậy mà làm. Thậm chí ngay cả những chiếc áo dài mặc đi thi cũng đã được cụ may cách đây gần 20 năm. Một điều đặc biệt khác là hai con cùng tất cả người thân, bạn bè của cụ Đào đều không biết cụ đi thi cho đến ngày vòng chung kết diễn ra, khi cụ được trao giải thì mọi người đều rất bất ngờ và vui mừng cùng cụ. Con gái của cụ gọi điện thoại trêu: “Mẹ quậy dữ hen!” mặc dù cô cũng yêu áo dài như mẹ. Còn bạn bè của cụ Đào thì nói: “Sao bà già rồi mà hay vậy!”. cụ nghe càng vui hơn và cảm thấy như mình đã góp chút ít sức lực để bảo tồn nét đẹp cho tà áo dài.
Sau cuộc thi, quay lại cuộc sống hằng ngày, cụ Đào vẫn ra tiệm may, mỗi ngày lại mang những chiếc áo dài ra để kết lại nút áo, đường may bị hở chỉ hay gặp gỡ những khách hàng mới và tất nhiên vào những dịp ấy cụ luôn khoác lên mình tà áo dài. Đây mới thật sự là cách để cụ chứng minh cho tình yêu áo dài.
“Trong vẻ đẹp tà áo dài của cô Đào có vẻ đẹp của sức khỏe” Ở độ tuổi như cô Đào, cô vẫn thần thái, sự thể hiện rất tốt và hiếm thấy. Để có một vóc dáng mặc áo dài đẹp như vậy thì cần cả một sự chăm sóc sức khỏe bản thân bền bỉ. Đây là một hình mẫu để mỗi người nhận thấy rằng không phải ở tuổi trẻ thì mới đẹp mà ở mọi lứa tuổi, sức khỏe cũng chính là vẻ đẹp. Và để mặc áo dài được đẹp, mọi người cần quan tâm đến sức khỏe của mình. Trong vẻ đẹp của tà áo dài có vẻ đẹp của sức khỏe. Nhà thiết kế SỸ HOÀNG, Giám đốc Viện Trang phục Việt, giám khảo cuộc thi Duyên dáng áo dài 2019 Mong khi lớn tuổi sẽ mặc áo dài đẹp như cụ Đào Tôi cảm thấy bất ngờ hơn khi cụ Đào đoạt giải nhất cuộc thi. Với tôi, cụ rất xứng đáng vì ở cụ toát lên vẻ đẹp truyền thống và ở độ tuổi như cụ cần có một sự can đảm rất lớn để tham dự cuộc thi. Bản thân tôi vừa ngưỡng mộ vừa mong muốn sau này khi lớn tuổi như cụ, tôi cũng có thể mặc áo dài đẹp như vậy. Chị HUỲNH THỊ PHONG LINH, khán giả cuộc thi |