Chuyện Kiatisak, Hoàng Đức, Công Phượng thi đấu ở giải hạng nhất

(PLO)- Tiền đạo lừng danh của Thái Lan Kiatisak chưa bao giờ đá Thai-League nhưng lại chấp nhận đầu quân cho đội bóng của bầu Đức đá giải hạng nhất. Bây giờ, những Công Phượng, Hoàng Đức hay Văn Lâm cũng theo bước Kiatisak trước kia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Giữa mùa bóng hạng nhất năm 2002, bầu Đức mang tiền đạo số 1 Đông Nam Á người Thái Lan Kiatisak đến Việt Nam chơi bóng cho đội hạng nhất HA. Gia Lai (nay là LPBank. HA.GL). Khi đó, mỗi tháng bầu Đức trả lương cao ngất ngời 7.000 USD/tháng cho Kiatisak 7.000 USD và mở đầu cho trào lưu nhiều tuyển thủ Thái Lan đổ bộ sang V-League.

Kiatisak chưa từng thi đấu ở Thai-League

Giữa mùa bóng hạng nhất năm 2002, bầu Đức tuyên bố “săn” bằng được tiền đạo số 1 Đông Nam Á là Kiatisak. Khi đó, bóng đá Thái Lan là số 1 Đông Nam Á nhưng giải Thai-League của họ chỉ mới manh nha hình thành.

Tien-dao-Kiatisak-1.jpg
Tiền đạo Kiatisak thời đỉnh cao những năm 2000, chẳng có CLB nào của Đông Nam Á dám mời anh về khoác áo vì thời đó bóng đá còn nghèo nhưng anh về đội hạng nhất HA. Gia Lai của bầu Đức. Ảnh: CTP

Kiatisak là chàng trai tỉnh lẻ (tỉnh Khon Kaen) có năng khiếu bóng đá đến Bangkok lập nghiệp. Anh được CLB của ngành cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (Raj Pracha) tuyển chọn. Lúc đó, Raj Pracha thi đấu ở giải hạng nhất Thái Lan, dưới Thai-League. Tuy nhiên Kiatisak đã là một tài năng sáng giá của Thái Lan dù anh chưa vượt qua được cái bóng của đàn anh Natipong.

Tài năng của Kiatisak dần hình thành, cả Đông Nam Á không ai không biết Kiatisak, đó là thế hệ cùng với Yulianto của Indonesia, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Hồng Sơn... của Việt Nam. Kiatisak cũng mang trong mình đầy ước mơ của một chàng trai trẻ đến Bangkok lập nghiệp và có cơ hội sang Anh thi đấu. Cuối cùng, Kiatisak đến đội hạng nhất Anh là Huddersfield thi đấu vào cuối năm 1999. Tại đây, Kiatisak gặp khó khăn trăm bề.

Kiatisak chia sẻ anh có vốn tiếng Anh kém, đồ ăn thức uống ở Anh anh không “nuốt” được, thể hình nhỏ bé, lại bị phân biệt đối xử. Nhiều lần, Kiatisak muốn buông xuôi tất cả để quay về nước.

Tien-dao-Kiatisak-2.jpg
...Nhưng bầu Đức dám chơi và tạo nên tiếng vang cực khủng ở Đông Nam Á. Ảnh: CTP

Nhưng các CLB Thai-League của Thái Lan cũng chẳng ai mời Kiatisak vì khi đó tình hình tài chính của họ chưa tốt như bây giờ. Các trận Thai-League quanh quẩn diễn ra ở Bangkok, nhiều trận khán giả còn ít hơn cầu thủ hai đội và quan chức làm nhiệm vụ trận đấu.

Đến đầu năm 2002, mọi nỗ lực tột độ sau gần hai năm ở Huddersfield của Kiatisak bất thành. Kiatisak quay về Đông Nam Á, nhưng anh không “quy cố hương” mà sang CLB Quân đội Singapore (SAFF) để có tiền “lót tay” và mức lương tốt.

Kiatisak không hòa nhập được với SAFF hay nói khác đi là bị cô lập. SAFF là CLB ông lớn của Singapore, đội bóng này toàn những “ông sao lớn”, chiếm hầu hết đội tuyển Singapore vô địch Tiger Cup 1998 với những cái tên như Rafi Ali, Nasri Nasir, Zulkarnael, Suramani... Nỗ lực rất lớn nhưng Kiatisak cứ phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị SAFF. Và chuyện gì đến cũng đến, anh rời SAFF sau khi chỉ chơi nửa mùa giải ở CLB này.

Thời điểm đó, bầu Đức có quan hệ làm ăn ở Thái Lan lẫn Singapore. Thế là bầu Đức thương lượng với lãnh đạo SAFF lẫn đơn vị chủ quản của Kiatisak là CLB Raj Pracha để đưa ngôi sao số 1 Đông Nam Á về chơi cho CLB hạng nhất Việt Nam là HA. Gia Lai

Đó là vào thời điểm giữa mùa hạng nhất năm 2002. Cả Đông Nam Á “trố mắt” nhìn bầu Đức với sự kinh ngạc không hiểu vì sao ông có thể mời được Kiatisak. Hàng loạt tờ báo của Thái Lan cử phóng viên sang Gia Lai tìm hiểu về bầu Đức, về cơ ngơi của ông có quy mô ra sao mà mua được Kiatisak.

Lúc đó, giải hạng nhất Việt Nam hấp dẫn hơn thu hút hơn V-League vì HA Gia Lai có đối trọng ĐT. Long An của bầu Thắng. Cuối mùa 2002, HA. Gia Lai về nhì, ĐT. Long An vô địch giải hạng nhất. Cả hai CLB này lên hạng chơi ở V-League từ mùa 2003. HA Gia Lai tạo nên đội hình Dream Team với nhiều tuyển thủ quốc gia của Việt Nam để liên tiếp vô địch V-League 2003, 2004.

Tien-dao-Kiatisak-Hoang-Duc-Lam.jpg
Bây giờ những tuyển thủ số 1 Việt Nam gồm Hoàng Đức và Đặng Văn Lâm từ V-League xuống chơi hạng nhất vì muốn cải thiện kinh tế gia đình. Ảnh: CTP

Chuyện Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm, Công Phượng ở Việt Nam

Thời điểm này, có một làn sóng các tuyển thủ Việt Nam đầu quân cho các CLB hạng nhất giàu có và rủng rỉnh tiền bạc như TT. Bình Phước và Ninh Bình. Những ngày qua, dư luận và fan Việt Nam dè bỉu những tuyển thủ Việt Nam như thủ môn Đặng Văn Lâm và Quả bóng vàng 2023 Nguyễn Hoàng Đức đầu quân cho đội hạng nhất Ninh Bình, còn Công Phượng từ Nhật Bản quay về khoác áo TT. Bình Phước.

Dư luận chỉ trích rằng, bóng đá Việt Nam đang đi xuống, còn các tuyển thủ quốc gia chỉ biết kiếm tiền mà không chú trọng phát triển chuyên môn. Điều này có phần không sai khi chất lượng của V-League và hạng nhất của Việt Nam là một trời một vực.

Trước mắt, chuyên môn của những cầu thủ này sẽ không phát triển được nữa vì ở Việt Nam, giải hạng nhất khác xa V-League. Tuy nhiên, việc một cầu thủ muốn kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình thì cũng chẳng có gì sai.

Hoàng Đức tâm sự sau khi gia nhập Ninh Bình, “Không chỉ cầu thủ, với nhiều nghề khác thì kinh tế rất quan trọng. Có kinh tế tốt mới nuôi được gia đình, chăm lo cho bố mẹ, thậm chí giúp đỡ họ hàng, người thân. Nếu lúc còn thi đấu tốt, chúng tôi không tính tới kinh tế thì sau này rất khó khăn. Đời cầu thủ cũng như các VĐV thể thao khác rất ngắn. Có nhiều chỉ trích tôi vì tiền, nhưng mong mọi người hiểu. Nếu ở vào vị trí của tôi, mọi người cũng khó từ chối. Là con người, ai cũng muốn mình và gia đình có cuộc sống đỡ vất vả”.

Ở cái tuổi như Công Phượng, Văn Lâm, đặc biệt là Hoàng Đức lại bất ngờ đá ở giải hạng nhất vì tiền lót tay và mức lương khủng đã gây sốc cho nhiều người hâm mộ. Nó như “xát thêm muối” vào sự thất vọng của người hâm mộ giữa lúc bóng đá Việt Nam tụt dốc không phanh. Nhưng ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một con đường miễn là chân chính, không vi phạm pháp luật, chẳng ai có quyền can thiệp được vào cuộc sống người khác. Có lẽ những Văn Lâm, Công Phượng, Hoàng Đức đã nhìn thấy một thời kỳ bóng đá Việt Nam đang thoái trào nên họ cần đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt cho cuộc đời, nghĩ về bản thân và gia đình hơn.

Có điều về lâu về dài, những thế hệ nối tiếp, những đàn em của Hoàng Đức, Văn Lâm, Công Phượng phải có tinh thần cao hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn, khát khao hơn và cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra một lựa chọn trong sự nghiệp cho mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm