Chuyện lạ: Chủ nhà rao tặng căn hộ để thoát nợ

(PLO)- Ở giai đoạn hiện nay nhà đầu tư nên cân nhắc tính toán lãi vay, khả năng thanh khoản của bất động sản đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tặng nhà không bán, tặng lại cho khách mua toàn bộ số tiền đã đóng là những thông tin rao bán độc, lạ xuất hiện thời gian gần đây trên các trang mua bán bất động sản (BĐS).

Chấp nhận tặng nhà để thoát nợ ngân hàng

Trong bối cảnh tìm người mua khó, nhiều chủ nhà đã đăng những thông tin gây sự chú ý, quan tâm như chủ nhà tặng căn hộ chứ không bán, chủ nhà thu về 0 đồng.

“Căn hộ giá gốc hơn 2,6 tỉ đồng, em đã đóng cho chủ đầu tư 10% là hơn 260 triệu đồng. Giờ coi như em tặng lại cho anh số tiền đã đóng, anh chỉ cần thanh toán phí chuyển nhượng sang tên và phí môi giới. Anh đồng ý là làm thủ tục sang tên hợp đồng vay mua nhà ngay” - chủ căn hộ rao bán chia sẻ.

Sau một hồi hỏi dò thêm thông tin thì thực ra chủ nhà đã đóng cọc 260 triệu đồng, hợp đồng vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng, được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất trong 12 tháng. Tuy nhiên, trong năm qua chủ nhà vẫn chưa tìm được khách mua, lại hết thời gian hưởng lãi suất ưu đãi nên gánh nặng trả nợ quá lớn khiến họ phải nhanh chóng thoát hàng.

Không chỉ với căn hộ mà cả những nhà phố dự án có giá trị lớn, nhiều chủ nhà chấp nhận mất số tiền lên đến cả tỉ đồng để tìm khách sang lại.

Nhân viên môi giới cho biết nhà đầu tư một căn nhà phố ở Đồng Nai có giá hơn 10 tỉ đồng, đã trả được 1,5 tỉ đồng đang muốn “tặng” lại căn nhà trên cho người khác.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm giao dịch BĐS Căn Nhà Mới, cho biết thực chất đây là một trong những chiêu bán cắt lỗ để thoát hàng. Những căn hộ, nhà phố rao bán kiểu tặng lại chủ yếu là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đầu cơ lướt sóng.

“Những nhà đầu tư này có tài chính hạn chế nếu không muốn nói là “tay không bắt giặc”. Họ đều phải đi vay ngân hàng, đóng tiền cọc hoặc tiền đợt 1 vài trăm triệu đồng để lướt sóng nhưng nay không gánh nổi khoản vay đành chấp nhận mất cọc để bán hàng nhanh” - ông Vũ phân tích.

Việc “tặng” căn hộ thực chất là cách bán hàng cắt lỗ của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: M.LONG
Việc “tặng” căn hộ thực chất là cách bán hàng cắt lỗ của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: M.LONG

Những nhà đầu tư này tính toán trong thời gian hỗ trợ lãi suất 0% được chủ đầu tư chiết khấu 5%-10% thì sẽ tìm khách sang tay bán đúng giá gốc là có lời. Hoặc nếu BĐS sốt sẽ kiếm lời lớn, không ngờ thị trường đóng băng, không ai mua bán nên còn bị lỗ đậm.

Trong thời điểm này rất khó kiếm khách mua vì lãi suất cho vay quá cao, khách có sẵn tiền mặt lại rất ít. Nếu không muốn gồng gánh nợ, thành nợ xấu ngân hàng thì phải chấp nhận thiệt thòi.

Tính toán thanh khoản trước khi xuống tiền

Dù số tiền chủ nhà chấp nhận mất khá lớn khi “tặng” nhà nhưng thực tế là rất hiếm có người nhận. Ông Nguyễn Quốc Lâm, Phó Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM, cho biết những chủ nhà này thường vay ngân hàng đến 70%-80% giá trị căn nhà. Người mua sau phải tính toán thật kỹ về chi phí trả nợ gốc lẫn lãi vay với mức lãi suất cao hiện nay.

“Cái khó cho những chủ nhà sắp “ngộp” này là giá BĐS thời điểm họ mua bị thổi quá cao. Người mua sau chỉ cần tính toán mức giá trừ đi số tiền chủ nhà đã đóng vẫn chưa đủ hấp dẫn, chưa kể hợp đồng vay ngân hàng với khoản lãi suất cao. Hơn nữa, người có sẵn tiền lúc này cũng có nhiều lựa chọn khác khi các chủ đầu tư cũng đang ráo riết tung ưu đãi” - ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, dù sao BĐS đầu tư dài hạn vẫn là kênh lựa chọn để dự trữ tài sản, phòng rủi ro trong tình hình khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ phần lãi suất ngân hàng trong khả năng chi trả.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thanh khoản thị trường gặp khó khăn kéo dài khiến nhiều chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư muốn bán hàng khó kiếm khách. Những người thế chấp BĐS vay tiền ngân hàng không có khả năng nộp bổ sung tiền, tài sản bảo đảm bị phát mại để thu hồi nợ, càng tạo áp lực về thanh khoản cho thị trường.

Mặc dù Chính phủ nỗ lực gỡ khó nhưng trong quý II-2023, thị trường sẽ chưa thể khởi sắc, dự báo tình trạng này còn kéo dài đến hết năm 2023. Tín dụng của ngân hàng vào BĐS đã giảm nhiều so với trước khiến doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ việc đi vay, thậm chí còn sợ vay.

Ông Đính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, khảo sát so sánh về giá cả, tìm hiểu kỹ quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn. Đồng thời khi đầu tư thì cần nghiên cứu kỹ dư địa tăng giá và tiến độ triển khai hạ tầng.

Giá bất động sản quý II-2023 vẫn neo cao

Theo dự báo của DKRA Group, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý II-2023 tại TP.HCM có thể tăng gấp đôi so với quý I, ở mức khoảng 2.000 - 2.500 căn, Bình Dương khoảng 500 - 1.000 căn, Long An khoảng 200 căn và Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 350 căn mở bán mới. Phân khúc căn hộ hạng A giữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM, trong khi đó căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo cao trước áp lực chi phí đầu vào, lãi vay, chi phí pháp lý dự án…

Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố, biệt thự quý II sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang so với quý I, dao động khoảng 350 - 400 căn, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Mặt bằng giá sơ cấp tăng nhẹ do tác động bởi những chi phí đầu vào. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp không có nhiều đột biến trong ngắn hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm