“HOA KHÔI” BỐN LẦN RU BUỒN BÊN SÔNG
Đường Hồ Chí Minh huyền thoại ngoằn ngoèo, lượn quanh những ngọn núi cao, vực sâu dẫn chúng tôi vào xã Tà Rụt (huyện Đắkrông, Quảng Trị). Cách đường 20m là túp lều tạm bợ, nhỏ bé của gia đình chị Hồ Thị Hàn (SN 1980, trú thôn Vực Leng) chênh vênh bên bờ sông Đắkrông. Những gì biểu hiện từ ngoài vào trong nhà, chứng tỏ căn nhà không có bóng dáng của người đàn ông. Chị Hàn cùng bốn đứa con đang quây quần bên đống lửa, ăn tạm bữa cơm tối. Thức ăn chả có gì ngoài cơm độn sắn, mấy con cá suối nhỏ, ít muối, nồi canh rau rừng.
Năm mẹ con chị Hàn
Trước khi đến đây, đồng chí La Lay Kham - Trưởng Công an xã Tà Rụt tiết lộ: chị Hàn từng là “hoa khôi” của bản Vực Leng và là một trong những cô gái xinh đẹp nhất trong xã. Nay ở tuổi 43, dù không đẹp như xưa nhưng chị vẫn còn nét duyên, nước da trắng mịn. Ít ai nghĩ người phụ nữ này đã có bốn đứa con, lớn nhất đã 15 tuổi và nhỏ nhất 2 tuổi.
Đưa thêm củi vào bếp, rót nước lá rừng mời khách, chị Hàn kể về quá khứ đau buồn của mình. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Pa Kô, nghèo khó ở bản Vực Leng nằm sâu trong rừng, chị Hàn cũng như những đứa trẻ khác trong bản hàng ngày theo cha mẹ lên rẫy mưu sinh rồi phải nghỉ học sớm. Tuổi thơ nhọc nhằn cũng trôi qua theo năm tháng, chị Hàn thành một thiếu nữ phổng phao xinh đẹp, được rất nhiều chàng trai trong bản và ở các thôn, xã lân cận để ý tìm đến. Dục, anh chàng mà đến bây giờ chị Hàn chỉ biết cái tên và quê ở xã Tà Long, huyện Đắkrông đã chiếm được trái tim của hoa khôi bản Vực Leng. “Anh ấy đến nhà rủ mình đi chơi, mời đi thị trấn, uống cà phê, uống rượu. Thấy anh ấy nhiệt tình, thương mình nên mình cũng đáp lại”, chị Hàn nhớ lại.
Và điều gì đến cũng đã đến, chị Hàn trao thân cho người yêu. Rồi khi cái bụng to, chị nói với Dục làm đám cưới thì bị từ chối, chửi mắng. Người đàn ông ấy “cao chạy xa bay”, sau này chị Hàn mới biết anh ta đã có vợ con. Cha mẹ chị Hàn quyết không cho con sinh đẻ ở nhà vì theo phong tục, con gái chưa chồng mà có con sẽ mang họa cho gia đình và còn bị làng bắt phạt. Chị Hàn thui thủi ôm bụng đến nhà ông bác xin tá túc và được cho ở riêng trong một túp lều ven sông để sinh nở. Sinh con trong niềm đau và chị nuôi con một mình.
Khi đứa con gái đầu được 2 tuổi, chị đi tìm tình yêu mới. Chị không nhớ đã “yêu” với những ai, chỉ biết rằng sau đó chị sinh thêm ba đứa con nữa và tất cả đều không có cha. Dân bản xì xào bảo chị sống buông thả, dễ dãi. Chị cười: “Mỗi lần có người đến với mình, mình hay tin tưởng và nghĩ rằng kiếm một người làm chồng để mẹ con đỡ khổ. Ai ngờ họ đều đã có gia đình và lừa dối mình”.
Người phụ nữ miền núi không có nghề nghiệp, nuôi con một mình đã khó, mình chị Hàn nuôi đến bốn đứa con thì sự túng thiếu càng gấp bội. Năm mẹ con chị thường xuyên lâm cảnh thiếu ăn, rét mướt. Mình chị không thể nuôi cả nhà nếu như không có sự cưu mang của người thân, bà con dân bản. Rồi tương lai của chúng sẽ ra sao? Mỗi lúc con hỏi cha là ai, con bị bạn bè trêu chọc là đồ “con hoang”, chị lại đau thắt.
Ở xã Tà Rụt còn phải kể thêm hàng chục trường hợp tương tự chị Hàn khi sinh con ra phải nuôi con một mình như chị Hồ Thị Brá (28 tuổi, thôn Tà Rụt 2), Hồ Thị Khả (26 tuổi, thôn Vực Leng), Hồ Thị Noi (17 tuổi, thôn Ka Hẹp), Hồ Thị Bơi (18 tuổi, thôn A Đăng)... Tình cảnh trớ trêu, bi kịch của những người phụ nữ trên xuất phát từ việc “đi sim”.
TẬP TỤC ĐẸP BỊ BIẾN TƯỚNG
“Đi sim” là một nét sinh hoạt tình yêu nam nữ của người miền núi mà người Vân Kiều gọi là pở lởi con mun hay pở lở ngợp nghĩa là đi chơi con gái; người Pa Kô gọi là pô cô lôn kăn mun (nam nữ đi chơi với nhau). Trai gái đến tuổi thành niên thường ban đêm không ở nhà mình mà đến ở nhà xu, nhà sim (nhà sinh hoạt cộng đồng) hoặc nhà của một phụ nữ không có chồng hoặc chồng mất. Trong khi đó, người dân sống trong nhà sàn bằng gỗ, con cái ngày càng lớn kéo theo nhu cầu xây dựng gia đình nên việc sinh hoạt vợ chồng rất bất tiện, ảnh hưởng đến những người khác.
Con trai đi chơi thường đem theo đèn pin, gậy gỗ, đàn, khèn, kèn lá... Tại nhà sim, trai gái cùng trò chuyện, ca hát, đối đáp các làn điệu giao duyên mục đích để tìm hiểu nhau. Chàng trai thích cô gái nào thì nói: “Em có ưng anh không thì đi chơi với anh”. Cô gái không ưng thì nói: “Em phải về kẻo cha mẹ em trách tội”. Nếu đồng ý thì cô gái gật đầu rồi cùng chàng trai ra bờ suối, hoặc trong lán trại trên nương rẫy tâm sự để không làm ảnh hưởng đến mọi người và có thời gian riêng tư. Ban đầu, việc quan hệ tình dục là điều cấm kỵ vì lúc đó rất thiếu các biện pháp tránh thai và luật tục rất nghiêm khắc. Vì thế nam nữ giữ cho nhau sự trong sáng đến ngày hôn nhân.
Khi họ tin tưởng, xác định về chung sống với nhau thì người con gái sẽ trao thân gửi phận. Nhà trai sẽ thông báo cho gia đình, già làng, trưởng bản để làm lễ cưới xin. Theo phong tục thì phụ nữ không được đẻ ở nhà vì sẽ mang tai họa đến cho gia đình và dân bản, bị phạt nặng. Khi có bầu, người con gái theo về nhà trai và được nhà trai cho vào một cái chòi ở trong rừng. Khi đẻ xong, nếu nhà trai không cho làm đám cưới thì người con gái bế con về nhà nuôi. Hầu hết các phụ nữ đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đều chấp nhận tình cảnh trớ trêu này. Thậm chí nhiều người có con, không được cưới vẫn tiếp tục “đi sim” và có con. Bởi vậy, người phụ nữ ở miền núi rất khổ tâm, sức chịu đựng lớn.
Anh Hồ Văn Hồng (SN 1977, trú thôn Tà Réc, xã Pa Nang, huyện Đắkrông) là người có thâm niên “đi sim” trong thôn, xã rồi sang tận các thôn, bản của xã khác thậm chí sang cả các thôn, bản của nước bạn Lào. Trong một lần “đi sim” ở bản La Tó, xã Húc Nghì cách nhà ở khoảng nửa ngày đi bộ, anh Hồng lấy được vợ là Hồ Thị Mự (SN 1979) cũng là kết quả của quá trình “đi sim”. Đến nay, anh chị sống hạnh phúc, kinh tế phát triển, hai đứa con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Nhưng cũng có nhiều người “đi sim” nhiều năm vẫn không tìm được nửa kia của mình vì nhiều lý do khác nhau. Và cũng có nhiều đôi cưới xong thì bỏ nhau.
Từ xa xưa, “đi sim” là một tập tục đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, một nhu cầu văn hóa tinh thần không thể thiếu, khát vọng tự do yêu đương của thanh niên nam nữ. Con trai đóng khố, con gái mặc váy thổ cẩm như trang phục truyền thống; khèn bè, đèn bin, kèn lá... là những vật bất ly thân. Nhưng 10 năm trở lại đây, tập quán này đang dần bị biến tướng nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy: nạn tảo hôn, trẻ sinh ra không có cha, bị khuyết tật, các giá trị của văn hóa bị đảo lộn...
Ngày xưa, thông thường “đi sim” là vào mùa trăng hay những dịp lễ hội, còn ngày nay nam nữ “đi sim” quanh năm, cả ngày lẫn đêm và bất cứ địa điểm nào có thể.
(Còn tiếp)
Theo HOÀNG QUÂN (CATP)