Mới thấy chuyện giải tỏa vỉa hè không chỉ cứ đập bỏ, đuổi bắt, dọn dẹp là xong mà cần phải có một giải pháp đồng bộ. Trước nhất là cần phải giải quyết về mặt kinh tế cho người buôn bán. Ngoài ra, chuyện lấn chiếm lề đường làm nơi buôn bán không phải chỉ xuất hiện thời gian sau năm 1975 mà trước đó đã có một cách thâm căn cố đế. Nếu nói một cách cười cợt rằng người dân Sài Gòn xưa đã có “máu” lấy cái lề đường làm nơi buôn bán, ngồi uống cà phê, ăn nhậu với những quán xá lề đường quả không ngoa.
Tình cờ khi đọc lại tuần báo Đời sống (tháng 9-1972), tôi thấy có bài báo của Người Xứ Huế viết về tình trạng chiếm lề đường của người đi bộ một cách rất… đau khổ. Rõ là ông ta là người xứ Huế nên rất ngạc nhiên về tình trạng lấn chiếm này.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, từng mạnh miệng tuyên bố nếu không dọn dẹp được vỉa hè ông sẽ cởi áo về vườn. Bây giờ chuyện nhếch nhác vỉa hè vẫn đâu lại vào đó.
“15 năm trước đây, khi đến Sài Gòn để làm một gã thư sinh, tôi rất thích thú đi lang thang trên những lề đường rộng rãi có bóng cây râm mát. Rồi tôi đi xa Sài Gòn, nhớ vô cùng những vỉa hè thời thanh xuân ấy. Bây giờ trở về, muốn bước lại đường cũ mà thật khó tìm ra. Hàng cây không còn. Nắng chói chang trên đầu, trên lưng. Và những lề đường mất gần hết. Tới đâu cũng thấy bảng cấm, kẽm gai vây kín. Rồi những cái máy điện của sở Mỹ, của các hotel nằm chình ình phun khói tùm lum vào mặt. Nếu còn một quãng lề đường nào trống trải thì đi trên đó cũng là một bất trắc. Hàng chục chiếc máy lạnh nằm trên lầu cao có thể buồn tình phun hơi nóng và tè nước xuống đầu bất cứ lúc nào”.
“Thôi thì đành ra giữa lộ mà đi. Nhưng hàng trăm thứ xe sẽ húc vào đít, cán lên chân. Ít nhất cũng vài hồi còi the thé hoặc dăm tiếng chửi thề”.
“Lề đường dành riêng cho khách bộ hành thì bị cướp ban ngày không một lời xin lỗi. Còn lỡ men xuống đường một tí thì bị la mắng, may là chưa bị cảnh sát phạt. Người bộ hành đau khổ của ngày nay đó”.
“Có một lề đường thuộc con lộ nổi tiếng nhất của Sài Gòn là Lê Lợi đã bị cuỗm mất một nửa. Cả hai dãy hàng lập nên – dĩ nhiên là được tòa đô chánh cho phép - dài bằng cả dãy phố. Hàng bán từ vải vóc đến sách báo khiêu dâm. Suốt ngày dân choai choai tới chúi mũi vào đống sách báo hấp dẫn ấy mà quên cả mùi nồng nặc từ nhà vệ sinh ở đó”.
“Một “điểm son” khác của Sài Gòn là thật nhiều tiệm ăn, đi đâu cũng gặp tiệm ăn. Mà khách ăn nhậu thì đêm ngày cứ nườm nượp. Những quán ăn đặc biệt và đông khách nhất có lẽ làcác quán ăn nằm ngay lề đường…”.
Người Xứ Huế trong bài báo này cũng nhận xét luôn về các khách hàng ăn uống trên lề đường:
“... Và khách lề đường đa số là các bà, các cô mặt son da phấn, áo quần mốt miết ghê lắm. Có cô tóc tai trông cứ như là từ mỹ viện mới ra. Các cô đớp hùng hục, đớp say mê với tất cả lương tâm nghề nghiệp. Một trong những quán ăn bên đường mà các cô ưu ái nhất là góc Pasteur - Lê Lợi. Cứ mỗi lần chiêm ngưỡng các người đẹp ngồi ăn ngon lành tôi lại bùi ngùi nhìn vào vách tường loang lổ và hồi tưởng những chuyện gì vừa xảy ra đêm qua. Đúng rồi, đêm qua cũng tại nơi này nhiều khách mã thượng đã xây mặt vào tường lâu quá làm cho tường vôi cũng đổi nét phong trần và hương thừa còn phảng phất đâu đây. Có khi trên lề đường ngay dưới ghế người đẹp ngồi thưởng thức món ăn còn cả dấu vết vàng vọt của các em bé lang thang đã ngồi xổm tìm cảm hứng sáng tác trong đêm…”.
Những đoạn trong bài báo nói trên chỉ tập trung vào các con đường lớn của quận Nhứt ngày xưa chứ chưa đi vòng vòng hết TP. Có lẽ nếu thập mục sở thị thêm các lề đường ở các quận chung quanh thì chất liệu trong bài báo này sẽ cho những người sau 40 năm biết thêm một thực tế của vỉa hè ngày xưa. Mà ngày ấy không biết có nạn bảo kê những bãi giữ xe vỉa hè không nữa?