Ngày 15-9, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo với chủ đề “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông Võ Văn Minh-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn qua hội thảo sẽ làm rõ nét hơn những xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng. Ảnh: LÊ ÁNH |
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù ngành công nghiệp của tỉnh có sự phát triển khá tốt. Tuy nhiên cũng như thực trạng chung cả nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn phụ thuộc nhiều vào sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm.
"Việc ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp. Điều này, biểu hiện rõ nhất qua đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày", ông Minh dẫn chứng.
| ||
Hiện nay, Bình Dương có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Ông Minh nhấn mạnh: “Bình Dương rất mong thông qua hội thảo này sẽ góp phần làm rõ nét hơn những xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng. Những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, đồng thời là cầu nối cho các doanh nghiệp, hiệp hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện tham gia vào chuỗi cung ứng. Ảnh: LÊ ÁNH |
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp cho hay, hiện đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, và Việt Nam là một trong những điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đơn cử, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam; Techonic Industries đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM; Foxconn, Luxshare, Pegatron…cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, lực lượng lao động chất lượng cao ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ, chi phí logistics ...chưa thực sự cạnh tranh so với một số nước.