Các đại biểu tham dự hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Hội Tư vấn thuế (VTCA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10-5 đều kiến nghị: Có một số mặt hàng nên đưa ra khỏi danh mục đánh thuế TTĐB và thuế cần ổn định, minh bạch để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nhiều loại thuế đưa vào danh mục cho “đẹp”
Đặt vấn đề về những bất cập của thuế TTĐB trong tình hình mới, ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nói: “Hiện nay có những mặt hàng như điều hòa nhiệt độ (máy lạnh - PV) công suất 9.000 BTU có cần thiết phải đánh thuế nữa không?”.
Theo ông Hải, hiện nay Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo, thu nhập và nhu cầu hưởng thụ chính đáng của người dân tăng lên. Do đó việc áp dụng thuế TTĐB với một số mặt hàng thiết yếu như máy lạnh, xe máy, ô tô… sẽ không còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Nói cách khác, nhiều nước không còn áp dụng thuế TTĐB đối với những mặt hàng trên vì nó không bị xếp vào nhóm hàng xa xỉ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nói: “Bây giờ máy lạnh không còn là hàng xa xỉ nữa. Tôi đã từng kiến nghị bỏ đánh thuế đối với sản phẩm này. Người Việt Nam liệu có nghèo đến mức không thể dùng máy lạnh không? Hơn nữa, sử dụng máy lạnh bây giờ cũng vì sức khỏe cộng đồng. Thời tiết nóng bức thế này mà trẻ em, các cụ già không có loại máy này thì ốm hết… Vì sức khỏe cộng đồng, tôi đề nghị nên bỏ thuế đánh vào máy lạnh”.
Bà Cúc nói tiếp nhiều loại thuế TTĐB có vẻ đưa vào cho “đẹp” danh sách như thuế TTĐB đối với vàng mã, hàng mã… “Chỉ có một nhà máy sản xuất mặt hàng này ở Hải Dương là xuất khẩu được vàng mã. Còn ở những khu phố khác ở Hà Nội bán đầy hàng mã nhưng có thu được thuế TTĐB đâu” - bà Cúc dẫn chứng.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Trịnh Hải cho rằng một số hàng hóa, dịch vụ được quy định chịu thuế TTĐB nhưng tính thực tiễn không cao, không có cơ chế kiểm soát để áp thuế như vàng mã, bài lá, dịch vụ massage. “Việc quản lý các loại hàng hóa, dịch vụ này trong thực tế rất khó khăn, hạn chế tính hiệu quả trong điều tiết tiêu dùng của chính sách thuế TTĐB”.
Lộ trình điều chỉnh thuế phải hài hòa lợi ích của tất cả các ngành. Trong ảnh: Doanh nghiệp đang làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD
Tư duy thuế phải khác đi
Áp dụng thuế TTĐB đối với thuốc lá, bia, rượu… thế nào cũng là vấn đề nóng tại hội thảo. TS Lê Đăng Doanh kể thuế TTĐB rượu và thuốc lá ở Thụy Điển rất cao, lên tới trên 100%. Từ đó TS Doanh đề nghị nên tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá và rượu theo một lộ trình phù hợp. Lý do nếu tăng thuế thuốc lá thì giảm được chi phí hút thuốc lá, đồng thời có thể giảm chi phí y tế.
So sánh với giá thuốc lá ở một số nước, TS Doanh khẳng định giá thuốc lá ở Việt Nam hiện còn rất rẻ và lại càng rẻ hơn nếu so sánh với thu nhập ngày càng tăng lên của người dân cũng như GDP. Đồng thời, đời sống người dân được cải thiện thì tỉ lệ sử dụng bia cũng tăng lên. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát cả bia cỏ là loại bia rẻ hơn cả bia hơi Hà Nội và kiểm soát cả rượu lậu. Bởi nếu tăng thuế rượu (như Vodka) mà không kiểm soát rượu lậu thì không ổn.
Đồng tình, bà Cúc cho hay trong quá trình hoàn thiện thuế TTĐB cũng cần phải thay đổi tư duy về đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm, đặc biệt là rượu. Rượu ngoại không có kiểu rượu 39,9 độ nhưng Việt Nam lại có để lách thuế. “Thời điểm làm thuế TTĐB trước đây, bia hơi bị đánh thuế tới 90%. Quan điểm của ta đôi khi là lợi nhuận nhiều thì đánh thuế nhưng khi hội nhập thì tư duy thuế phải khác đi” - bà Cúc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá, ủng hộ chính sách thuế TTĐB của Nhà nước nhưng phải minh bạch và hợp lý. “Chúng tôi muốn đóng thuế xong rồi thì tối về ngủ ngon, không lo sáng mai bị phạt. Tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính mà cứ phập phồng lo sợ” - ông Triết nói.
Ngoài ra, ông Triết cho rằng cần phải kiểm soát được thuốc lá lậu chứ không chỉ tăng thuế. “Quý I năm nay, do thuế TTĐB tăng nên buôn lậu thuốc lá tăng hơn 5%. Như vậy, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là chưa hiệu quả. Chúng tôi kinh doanh đàng hoàng thì lại bị kiểm soát gắt gao, còn thuốc buôn lậu không bị kiểm soát, giá rẻ nên người dân dùng nhiều. Năm ngoái, thuốc lá lậu làm chúng ta mất 16.000 tỉ đồng. Do vậy tăng thuế vừa phải thì thuốc lá trong nước mới lấn át thuốc lá lậu” - ông Triết giãi bày.
Tán đồng với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhấn mạnh chính sách thuế phải minh bạch, hiệu quả. Chính sách thuế TTĐB cần được xây dựng cho trung hạn và dài hạn, có tính ổn định và dự báo được.
“Lộ trình điều chỉnh thuế phải hài hòa lợi ích của tất cả các ngành. Tăng thuế nhưng phải đảm bảo được các doanh nghiệp tồn tại và hoạt động để ngân sách nhà nước có nguồn thu bền vững, đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động. Việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia… cần gắn với giải pháp chống buôn lậu” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Hàng trăm triệu lít rượu lậu Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt thông tin hiện nay sản lượng rượu của Việt Nam là 67 triệu lít/năm. Nhưng rượu cuốc lủi, rượu lậu lên tới 230 triệu lít/năm, trong khi rượu này không được quản lý về chất lượng, có hại cho người tiêu dùng và thất thu thuế. Theo báo cáo của WHO về thực trạng sử dụng rượu, tính theo độ cồn tuyệt đối thì Việt Nam 6,6 lít/người/năm. “Chưa nước nào cấm uống bia, nếu chúng ta không lạm dụng thì bia không có tội. Tội là ở những người lạm dụng” - ông Việt nêu quan điểm. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, thuế TTĐB có vai trò rất quan trọng với ngân sách, đang đóng góp khoảng 9% tổng thu ngân sách, tương đương với 1,5% GDP cả nước. Trong đó ngành công nghiệp rượu, bia và thuốc lá chiếm tới 65% tổng thu thuế TTĐB. |