Cơ quan báo chí mong Cần Thơ chủ động, kịp thời cung cấp thông tin

(PLO)-  Tại tọa đàm báo chí đồng hành cùng TP Cần Thơ, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đã góp ý mong TP Cần Thơ chủ động, kịp thời hơn nữa trong việc cung cấp thông tin.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-5, Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ trao Giải báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VI năm 2021; Tọa đàm báo chí đồng hành cùng TP Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm chiều 12-5. Ảnh: CQ

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm chiều 12-5. Ảnh: CQ

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giới thiệu sơ lược các nghị quyết của Trung ương và TP về phát triển TP trong thời gian tới và các kế hoạch thực hiện của UBND TP...

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho rằng, TP Cần Thơ thời gian qua có sự phát triển rất lớn. Tuy nhiên, thông tin về TP Cần Thơ chưa xứng tầm với sự phát triển đó, như thông tin về sự điều hành của chính quyền, về sự lo lắng cho đời sống người dân, doanh nghiệp

Ông Mai Ngọc Phước đề nghị TP Cần Thơ nên xem báo chí là người bạn đồng hành. Mà đã người bạn đồng hành thì thông tin của lãnh đạo Cần Thơ nhất là các cơ quan chính quyền, sở, ngành cần phải chủ động, kịp thời. Có những thông tin phải đi trước một bước để lòng dân thuận với chủ trương, chính sách; phải chủ động thông tin, không nên để mạng xã hội, người dân đồn đoán.

Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu tại Tọa đàm báo chí đồng hành cùng TP Cần Thơ ngày 12-5. Ảnh: NHẪN NAM

Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu tại Tọa đàm báo chí đồng hành cùng TP Cần Thơ ngày 12-5. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Phước, có ba nội dung chính mà TP nên phối hợp với cơ quan báo chí chính thống.

Thứ nhất, khi TP cảm thấy vướng trong các chủ trương, thực thi chính sách ở trên mà cần có tiếng nói của cơ quan truyền thông vào cuộc để giúp cơ quan cấp trên hiểu, các chuyên gia hiến kế.

Hai là phối hợp trong thu hút đầu tư vào TP. Cụ thể là khi TP có những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thì TP cũng cần thông tin cho các doanh nghiệp biết.

Ba là phối hợp trong việc xử lý điều hành các công việc liên quan đến người dân, hoặc xử lý các bức xúc của người dân.

“Tôi nghĩ rằng các cơ quan báo chí luôn sẵn sàng đồng hành cùng TP Cần Thơ thông tin các chủ trương, quyết sách trong thời gian tới để TP ngày càng phát triển hơn nữa” – ông Phước nói.

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cùng bày tỏ việc sẵn sàng đồng hành cùng Cần Thơ và mong TP chủ động, mạnh dạn hơn nữa trong việc cung cấp thông tin.

Ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM mong rằng thời gian tới, các cơ quan báo chí ở TP.HCM, Cần Thơ kết nối nhiều hơn nữa.

Việc kết nối bao gồm cả việc tổ chức những tọa đàm, hội thảo để báo chí góp ý, truyền thông rộng rãi những việc làm được và cả chưa được của cơ quan chính quyền. Cạnh đó là công tác đào tạo kỹ năng làm báo…; tổ chức câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thực hiện các vệt bài chuyên đề về TP.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, thời gian qua TP và các cơ quan báo chí đồng hành khá tốt trong việc chia sẻ thông tin. Tiếp thu ý kiến các nhà báo, Cần Thơ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng TP trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của trung ương cho ĐBSCL và TP.

“Đề xuất của các nhà báo rất đúng và trúng, TP xin tiếp thu. Việc họp báo sẽ tổ chức nhiều hơn, những vấn đề cần chia sẻ ngay, nóng thì sẽ trao đổi thông tin liên tục… Các đồng chí góp ý rất đúng, có một số thông tin TP chia sẻ không kịp thời. TP rút kinh nghiệm. Trong thời gian tới chúng ta có sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ hơn” – ông Trường nói.

22 tác phầm đoạt Giải báo chí ĐBSCL

Giải báo chí ĐBSCL năm 2021, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 330 tác phẩm dự giải với 4 loại hình báo chí. Hội đồng Sơ khảo đã chọn được 72 tác phẩm xuất sắc vào vòng Chung khảo. Trong 72 tác phẩm xuất sắc, Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm đoạt giải, gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Nhóm các tác giả nhận giải Nhất thể loại báo điện tử, báo in và phát thanh, truyền hình. Ảnh: NHẪN NAM

Nhóm các tác giả nhận giải Nhất thể loại báo điện tử, báo in và phát thanh, truyền hình. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết, năm nay vẫn thiếu vắng những tuyến bài về chủ đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, những bài bình luận, dự báo chuyên sâu tạo hiệu ứng xã hội cao…

Hai giải Nhất báo chí về ĐBSCL 2021, thể loại báo in – báo điện tử thuộc về loạt bài 5 kỳ “Làm nông tử tế ở ĐBSCL” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Cộng và Huỳnh Thu Hà (Báo Cần Thơ); thể loại phát thanh – truyền hình là tác phẩm “Tăng sức đề kháng cho nông sản đồng bằng” của nhóm tác giả Phan Nguyễn Minh Xuân, Võ Tấn Hưng, Hồ Quốc Minh, Hà Thanh Hùng của Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm