Có sản phẩm tốt mới xây được thương hiệu

(PLO)- Một sản phẩm tốt, độc đáo mới lạ... sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể định vị được thương hiệu ở trong và ngoài nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 27-1, tại TP.HCM, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội (ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) tổ chức tọa đàm “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu”.

Doanh nghiệp chưa chú trọng thương hiệu

Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, theo một nghiên cứu của Bộ Công Thương, có khoảng 20% trong 500 doanh nghiệp tương đối có thương hiệu và chú trọng vào phát triển thương hiệu.

Điều này đã nói lên thực trạng của các doanh nghiệp (DN) Việt chưa chú trọng vào việc định vị thương hiệu, ngay cả ở thị trường trong nước.

Trong khi đó, theo TS Phan Văn Kiền- Viện trưởng Viện đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN, định vị thương hiệucâu chuyện sống còn của DN trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là một quá trình cần đặt ra ngay từ giai đoạn đầu và phải thực hiện liên tục trong các chặng đường phát triển của DN.

Trong không gian số ngày nay, khách hàng không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý mà ở toàn thế giới. Do đó việc xây dựng thương hiệu cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, và có chiến lược, bất kể doanh nghiệp nhỏ hay lớn.

Ông Dương Chí Kiên, Tổng giám đốc Golden Age Group chia sẻ, người Việt tại nước ngoài luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ thất bại, luôn năng động, thức thời, đã phát triển nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới.

Chính người Việt cùng các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế đã góp phần to lớn trong việc lan tỏa thương hiệu Việt trên thế giới.

thương hiệu
Theo các diễn giả, sản phẩm tốt, niềm tin người dùng là cách để DN định vị được thương hiệu. Ảnh: NHƯ NGỌC

Sản phẩm, niềm tin làm nên thương hiệu

Theo các diễn giả và doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất trong việc định vị thương hiệu là chất lượng sản phẩm, niềm tin, sự độc đáo mới lạ.

Chẳng hạn phở Việt Nam phải định vị với khách quốc tế với tên gọi là “Phở”, không phải là gọi là “noodle”. Tức là có tên gọi và tiếng nói của nó.

Kể về câu chuyện làm thương hiệu của mình, ông Ngô Sỹ Tuyên, Giám đốc công ty sơn Kova nói: Khi mới thành lập, dù sản phẩm rất tốt nhưng không bán được vì giá cao so với thị trường.

"Thời điểm đó người dân chỉ quen sử dụng sơn rẻ tiền, bài toán đặt ra, phải tìm được khách hàng chịu chi trả cho sản phẩm tốt giá cao. Và khi chúng tôi đẩy mạnh ra phía Bắc, nơi người dân chịu chi cho việc xây dựng nhà cửa, sơn Kova đã đạt kết quả như mong đợi khi 10 năm vẫn không hư hỏng.

Nhờ có sự "marketing miễn phí" từ tính truyền miệng của người dân, Kova đã thực sự tạo nên một làn sóng về chất lượng"- ông Tuyên nói.

Ở góc nhìn tổng quát, PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng điểm chung của các thương hiệu lớn làm nên danh tiếng của họ là tính “chân-thiện-mỹ”, tức là vừa chân thật vừa có tính nhân văn, lại mang tính nghệ thuật.

Thương hiệu Việt ra biển lớn: Cần cái nắm tay của nhiều bên

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch BAOOV lấy ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng đưa nhiều sản phẩm vào Việt Nam thông qua hình thức siêu thị như Aeon, Lotte. Có được điều này là nhờ có sự "hậu thuẫn mạnh mẽ đến từ chính phủ. Sự liên kết giữa chính phủ- doanh nghiệp rất chặt chẽ.

Việt Nam có thể học hỏi điều này. Và để có thể đưa một mô hình siêu thị thuần Việt như Co.op Mart, từ đó đưa nhiều mặt hàng ra nước ngoài thì cần thêm những cái nắm tay vững chắc đến từ chính phủ - doanh nghiệp- người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm