Đó là một trong những nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ngày 27-9 tại lễ ký thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017-2020 với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.
Bộ trưởng Dung dẫn chứng: “Có người thất nghiệp ở Hà Nội nhưng chạy vào Bình Dương kiếm được việc làm rồi vẫn hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Nhưng nếu chúng ta kết nối ứng dụng CNTT thì anh đi đâu, làm gì tôi cũng biết cả, không thể trục lợi chính sách”.
Chỉ ra những hạn chế trong việc ứng dụng CNTT, ông Dung khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với Bộ và ngành LĐ-TB&XH là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo biên bản thỏa thuận hợp tác, hai bên nhất trí phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đồng thời ứng dụng CNTT, viễn thông giúp sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân được thuận lợi hơn, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội sẽ tư vấn, cung cấp cho Bộ LĐ-TB&XH các giải pháp CNTT và các sản phẩm dịch vụ viễn thông tốt nhất nhằm xây dựng và hoàn thiện kiến trúc chính phủ điện tử, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải cách hành chính cho Bộ cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.
Viettel cũng sẽ là đơn vị đảm bảo hạ tầng CNTT, viễn thông, bao gồm tư vấn, hỗ trợ và phối hợp đảm bảo hạ tầng đường truyền, trung tâm dữ liệu, giao ban trực tuyến và triển khai các chính sách ưu đãi tốt nhất để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời đảm bảo an toàn-an ninh thông tin cho hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT và dữ liệu của bộ, ngành.