Cái nóng như thiêu của tháng 4 dường như không nóng bằng cơn sốt rao bán đất ở Cần Giờ đang diễn ra mấy tháng qua. Trên những con đường lớn nhỏ, từ khu dân cư đến bờ ruộng, cứ vài chục mét là có một biển rao bán đất. Thông tin cầu Cần Giờ được phê duyệt thiết kế đã kéo nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ đổ về huyện này tìm cơ hội.
Giá đất ăn theo hạ tầng
Ngay tại khu vực phà Bình Khánh, chúng tôi đã thấy hàng chục dịch vụ mua bán, ký gửi đất đai từ đất thổ cư, đất vườn đến đất nuôi trồng thủy sản. Dọc tuyến đường Rừng Sác, địa phận ấp Long Thạnh, xã Long Hòa cũng có rất nhiều bảng rao bán đất nền, đất biển và biệt thự, nhà phố.
Khảo sát sơ bộ giá cả tại Cần Giờ thời điểm này cho thấy ở khu dân cư đông đúc xã Bình Khánh giá đất đã tăng 30% so với năm 2018. Đáng nói là đất nông nghiệp năm 2018 giá khoảng 350-400 triệu đồng/công (1.000 m2) giờ tăng cao 500-550 triệu đồng/công. “Sang năm có cầu rồi, giá có thể lên gấp đôi, gấp ba” - anh Quốc, nhân viên một công ty môi giới tự tin nói.
Đối với đất nông nghiệp, anh Vũ, một nhân viên công ty đo đạc, cho biết những mảnh ở mặt tiền xã Tam Thôn Hiệp có giá khoảng 2-3 triệu đồng/m², vị trí đẹp thì 4 triệu đồng/m², đất lên thổ cư tầm 10 triệu đồng/m². Anh này cho hay so với năm ngoái giá đã tăng 40%.
“Đất khách mới gửi tuần trước tuần này đã bán được ngay. Đừng quá so đo giá, mảnh nào tưởng lời hơn, giá đẹp hơn thì chắc chắn thực chất vị trí, giá trị đất đó thấp hơn hoặc vướng pháp lý” - anh Vũ rót mật vào tai chúng tôi.
Các nhà đầu tư lớn cũng nhanh chân đi săn đất ở xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh… Theo cò đất ở đây, giá đã tăng so với năm ngoái tới 50%-70%. Cụ thể, đường Thạnh Thới giá đất tầm 25 triệu đồng/m², riêng đường Duyên Hải ngay vòng xoay giá đến 35 triệu đồng/m².
Nhiều người cho rằng khu vực xã Long Hòa có ưu thế sở hữu bờ biển dài và đẹp nên đầu tư sẽ sinh lợi cao. Khi dự án đường trên cao hoàn tất, đây sẽ là điểm đến lý tưởng của hàng ngàn du khách trong nội đô TP.HCM đổ về.
Song song đất nền, thị trường nhà phố cũng sôi động không kém. Hiện tại Cần Giờ có một dự án nhà phố liền kề được mở bán là La Maison De Cần Giờ. Thời điểm mở bán năm 2017 giá khoảng 1,55 tỉ đồng/căn 100 m² (một trệt, hai lầu) thì nay bán ra thấp nhất đã là 2,5 tỉ đồng/căn. Nhà phố, biệt thự, căn hộ cũng tăng theo đợt sóng, mỗi đợt tăng vài trăm triệu đồng, đến nay tỉ lệ tăng đã đạt 40%.
Những bảng quảng cáo bán nhà, đất được treo dọc các tuyến đường ở Cần Giờ. Ảnh: THU TRINH
Thận trọng pháp lý
Theo ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Thu Thủy, thực chất việc phê duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ không làm giá đất tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè tăng đột biến. Nó chỉ có tác động nhẹ, tạo niềm tin lớn hơn cho nhà đầu tư vào Cần Giờ.
Quỹ đất nội thành đã khan hiếm, tất yếu nhà đầu tư sẽ tỏa về vùng ven. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ ra một số rủi ro mà người mua đất cần lưu ý. Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư đổ về Cần Giờ nhưng số hợp đồng chuyển nhượng với các hộ dân thành công khá thấp do không thống nhất giá, hồ sơ pháp lý không rõ ràng, dính quy hoạch… Thứ hai, vấn đề giải phóng mặt bằng không đơn giản, có thể ảnh hưởng tiến độ dự án. Thứ ba, lợi dụng hiệu ứng đám đông, một số công ty môi giới đã thổi giá lên cao, nếu không tìm hiểu kỹ sẽ lãnh trái đắng, đặc biệt với nhà đầu tư sử dụng vốn vay.
Về vấn đề cân bằng sinh thái, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Toàn Cầu, cho rằng việc làm cầu Cần Giờ sẽ có ảnh hưởng nhất định tới môi trường. Đặc biệt là ở xã An Thông Hội, vùng nuôi yến tốt nhất của TP.HCM, nếu dân cư đổ về sinh sống đông đúc sẽ gây ảnh hưởng lớn tới đàn yến nơi đây.
“Mặt khác, định hướng phát triển huyện Cần Giờ của TP là biến nơi đây thành đô thị nghỉ dưỡng và giải trí, đặc biệt phải đảm bảo bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn. Do đó, mua bán đất thời điểm này có khả năng rủi ro cao vì dễ dính quy hoạch” - ông Thành phân tích.
Trước tình hình đó, ông Thành khuyến cáo người mua nên chọn mảnh đất có pháp lý hoàn chỉnh, nếu là đất nông nghiệp phải đảm bảo diện tích nhỏ nhất là 1.000 m², đường giao thông đầy đủ để đảm bảo đầu tư an toàn.
Dự kiến cầu Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước. Cầu dài 3,4 km với bốn làn xe (tĩnh không thông thuyền 55 m) thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, kết nối giao thông trực tiếp huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận và trung tâm TP. Điểm đầu cầu là tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Kinh phí xây dựng cầu ước tính khoảng 5.300 tỉ đồng. |