“Hiện nay, đã có kết quả thi tuyển kiến trúc cầu Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) làm cơ sở để nghiên cứu thành lập dự án. Dự kiến sẽ có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết như trên.
Đã chọn được phương án thiết kế
Thông tin về thiết kế, kiến trúc dự án cầu Cần Giờ, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP, xác nhận đã chọn được phương án thiết kế cầu, UBND TP cũng cơ bản chấp nhận phương án này. “Khi nào có thông báo chính thức, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi đến người dân” - ông Hưng khẳng định.
Về kế hoạch đầu tư, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP, cho biết trước đây cầu này không có trong quy hoạch giao thông TP, sau này mới được bổ sung vào quy hoạch để phát triển cho vùng Cần Giờ trong tương lai.
Theo ông Nguyên, Sở QH-KT đang làm các công việc liên quan đến thiết kế mỹ thuật, cảnh quan cầu do đây là yêu cầu đặc biệt của TP khi xây dựng dự án có tầm cỡ lớn như thế này. “Cụ thể, TP yêu cầu phương án thiết kế cầu Cần Giờ phải tối ưu, tính khả thi cao, độc đáo, hiện đại, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách” - ông Nguyên nói.
“Hiện có nhà đầu tư đã quan tâm, nghiên cứu để đầu tư dự án. Đây được xem là một dự án rất quan trọng với Cần Giờ vì là cây cầu đường bộ duy nhất nối huyện này với TP” - ông Nguyên thông tin.
Chia sẻ về thông tin trên, đại diện một nhà đầu tư trong liên danh nhà đầu tư dự án cầu Cần Giờ đã được lập cho biết rất có thể dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nói về tầm quan trọng của dự án, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng về tương lai cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. “Với khoảng cách không xa khoảng 12 km, khi huyện Cần Giờ kết nối với huyện Nhà Bè bằng cầu này thì sẽ nối luôn với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tạo điều kiện về giao thông rất lớn” - ông Dũng phân tích.
Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ do một đơn vị tự thiết kế để nghiên cứu (đây chưa phải phương án chính thức). Ảnh do đơn vị này cung cấp
Đánh giá về tầm nhìn hạ tầng giao thông, Sở GTVT cho biết: Đối với giao thông đối ngoại, ưu tiên sớm đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ dài 3,4 km với bốn làn xe (tĩnh không thông thuyền 55 m) thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, kết nối giao thông trực tiếp huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận và trung tâm TP.
Dự kiến điểm đầu cầu là tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Cần nâng cấp đường Rừng Sác
“Chắc chắn để đồng bộ và giao thông thông suốt, có cầu Cần Giờ thì phải nâng cấp đường Rừng Sác, tuyến đường độc đạo xuống huyện này” - ông Bùi Trần Cường, Trưởng phòng quản lý hạ tầng giao thông thuộc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4), Sở GTVT TP, đơn vị quản lý đường Rừng Sác, cho biết.
Theo ông Cường, hiện đường chỉ được sửa chữa nhỏ ở những đoạn tuyến nhất định từ quỹ bảo trì đường bộ chứ chưa được nâng cấp toàn diện, hiện Khu 4 cũng đã đề xuất với Sở GTVT để ghi vốn nâng cấp toàn tuyến này.
Năm 2011, đường Rừng Sác được thông xe với quy mô sáu làn xe, chiều dài 36,5 km, tổng chi phí hơn 1.500 tỉ đồng, kéo dài từ phà Bình Khánh đến điểm giao nhau với đường 30 Tháng 4 thuộc xã Long Hòa.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, hiện đoạn đường này đang xuống cấp, nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc, đọng nước; một số nơi có ổ gà xuất hiện và mặt đường nhấp nhô. Lượng lưu thông trên tuyến cũng rất ít, chủ yếu xe buýt, xe du lịch và ít xe máy của người dân.
“Sau khi nâng cấp, nếu có thêm cầu Cần Giờ, tôi tin chắc chắn kinh tế huyện này sẽ khác đi rất nhiều, đó là điều người dân ở đây rất mong chờ” - ông Cường chia sẻ thêm.
Muốn làm như cầu Cổng Vàng ở Mỹ Dự án cầu Cần Giờ được UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng với tổng vốn dự kiến 5.300 tỉ đồng. Tháng 8-2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương này. Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết: “Tại hội thảo năm 2017 diễn ra ở Sở QH-KT, hiệp hội đã đề xuất ý tưởng là chúng ta sẽ làm một cây cầu có tính biểu tượng như cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mỹ. cây cầu này vừa giải quyết nhu cầu giao thông, vừa tạo cảnh quan cho khu vực”. Trả lời cho bài toán giao thông nếu thực hiện xây cầu, ông Lê Hoàng Châu thông tin có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư đường trên cao, tăng lưu lượng giao thông phía trên đường Rừng Sác (do đường Rừng Sác không được mở rộng để đảm bảo sinh quyển khu vực). |