“Phương án được lựa chọn là cầu dây văng với một trụ tháp có hình dáng cây đước, lan can được thiết kế hình sóng biển”. Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM ngày 5-3 như trên.
Ngoài ra, các trụ đèn cầu khi thắp sáng sẽ tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu. Theo thông số dự kiến của đơn vị thiết kế trước đó, trụ tháp cầu cao 230 m, hai khoan hai bên trụ rộng 215 m và 350 m, tĩnh không thông thuyền là 55 m.
Theo ông Hưng, sau khi UBND TP.HCM duyệt phương án thiết kế, Sở sẽ có kế hoạch công bố rộng rãi tới người dân để lấy ý kiến. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng xác định quy mô, thông số của cầu Cần Giờ được tiếp tục nghiên cứu phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và có thể được điều chỉnh khi có căn cứ xác đáng.
Phối cảnh cầu Cần Giờ với trụ tháp cao 230 m mang hình cây đước. Ảnh: KC
Lan can cầu được thiết kế hình sóng biển. Ảnh: KC
Cầu Cần Giờ dài 3,4 km với bốn làn xe, vượt qua sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu, nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ. Dự án cầu Cần Giờ được UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng với tổng vốn dự kiến 5.300 tỉ đồng. Tháng 8-2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương này.
Theo Sở GTVT TP, việc có cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện hữu sẽ giúp kết nối giao thông trực tiếp huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận và trung tâm TP. Cầu sẽ góp phần tác động tích cực đến các hoạt động du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nhận định về tương lai, cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. “Với khoảng cách không xa trung tâm TP, khoảng 12 km, khi huyện Cần Giờ kết nối với huyện Nhà Bè bằng cầu này thì sẽ nối luôn với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tạo điều kiện về giao thông rất lớn” - ông Dũng phân tích.
Ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP, cho biết các bước đầu tư cầu Cần Giờ sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP triển khai sớm trong thời gian tới.
Bên cạnh cầu thì đường Rừng Sác, con đường độc đạo từ TP.HCM xuống huyện Cần Giờ, cũng được người dân huyện này mong chờ nâng cấp trong thời gian tới để đồng bộ khi cầu Cần Giờ hình thành. |