Tháng vừa rồi, điện Kremlin đã phủ nhận sự liên quan của Nga trong việc Ukraine không tuân thủ theo Hiệp định Minsk, đồng thời các bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cũng tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ để xem xét việc có nên sửa đổi hoặc đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với Nga hay không.
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Kremlin.ru
Ở Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã đề xuất nỗ lực chung Nga-Mỹ nhằm đưa ra một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria, đồng thời nhằm chia sẻ thông tin tình báo phục vụ cho việc tiêu diệt Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Có vẻ như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong nỗ lực thể hiện vai trò của Nga với tư cách một quốc gia có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, đồng thời gạt sang một bên những bất mãn tạo ra trong những năm cuối nhiệm kỳ của ông.
Ngày càng có nhiều kỳ vọng vào việc châu Âu sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, đặc biệt là những hạn chế về tài chính, cũng như việc hủy bỏ những quy định cấm trong chuyển giao công nghệ cho các dự án năng lượng mới trong thời gian sắp tới, cho phép một số dự án mới quan trọng đã bị hủy tiếp tục được triển khai vào năm 2017. Quả thật vậy, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tháng 9 đã từng cảnh báo rằng việc duy trì các lệnh trừng phạt có thể khiến sự thống nhất của châu Âu rơi vào nguy cơ.
Hai bước ngoặt bất lợi cho Putin
Tuy nhiên, theo tạp chí National Interest, hai bước ngoặt mới đây không chỉ chấm dứt kỳ vọng này của ông Putin, mà còn có khả năng làm hủy hoại bất kỳ lợi ích ngoại giao nào mà điện Kremlin từng hy vọng đạt được.
Đầu tiên là việc Hà Lan phát hành các báo cáo chỉ đích danh chính tên lửa của Nga sản xuất đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine. Các điều tra viên quốc tế đã xác định tên lửa này có xuất xứ từ Nga và sau này được vận chuyển về Nga. Khi mà điện Kremlin vẫn còn tiếp tục phản đối những phát hiện trên thì báo cáo này một lần nữa đã khiến vấn đề vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine nóng trở lại.
Hà Lan phát hành các báo cáo chỉ đích danh chính tên lửa của Nga sản xuất đã bắn hạ chiếc máy bay MH17. Ảnh: Reuters
Thực tế cho thấy vụ bắn hạ máy bay cách đây hai năm chính là tác nhân cốt lõi thúc đẩy EU áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắt hơn đối với Nga, khiến các nhà vận động hành lang kinh doanh của châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Với việc chính phủ các nước thường có khuynh hướng giữ gìn quan hệ hữu hảo với Moscow, thời điểm phát hành báo cáo điều tra và phản ứng của Hà Lan, giờ đây các nước châu Âu cũng phải rất khó khăn để quyết định những nước đi đầu tiên trong việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga.
Thậm chí trước khi kết luận của báo cáo này được phát hành, hậu trường lùm xùm sau các quyết định đã cho thấy rằng mặc dù nhiều nước châu Âu không hài lòng với việc tiếp tục trừng phạt Nga. Tuy nhiên, không có nước nào muốn chịu sự chỉ trích với việc đe dọa bác bỏ việc thay mới các lệnh trừng phạt. Bây giờ các khả năng đó đã ngày càng suy yếu. Nhiều khả năng EU sẽ tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt thêm sáu tháng nữa, cho đến giữa năm 2017.
Nếu như các báo cáo từ phía Hà Lan vẫn chưa đủ khiến Nga lâm vào hoàn cảnh xấu thì quyết định của Nga khi theo đuổi chiến thuật ném bom liên tiếp áp đảo phe đối lập Syria ở Aleppo, tạo sức ép đàm phán đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Các lãnh đạo phương Tây đang nhắc đi nhắc lại cụm từ “tội ác chiến tranh” khi nói đến việc Nga tiến hành các chiến dịch không kích ở Syria. Các lãnh đạo này đã sớm đề xuất rằng việc EU trừng phạt Nga không chỉ cần phải được tiếp tục và mở rộng mức độ, mà còn phải mở rộng phạm vi, tính cả những động thái của Nga ở Ukraine và Syria.
Với việc Anh là nước chỉ trích Nga nặng nề nhất, Nga có khả năng sẽ không hưởng được lợi ích gì sau Brexit. Theo như những kỳ vọng ban đầu, Anh rời khỏi EU thì nước này không còn phải tuân theo các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Sau đó thì TP London có thể một lần nữa trở thành trung gian tài chính quan trọng cho các công ty Nga tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, còn các doanh nghiệp Anh thì có thể phá vỡ các hạn chế về chuyển giao công nghệ của Mỹ và châu Âu.
Phương Tây đang nhắc đi nhắc lại cụm từ “tội ác chiến tranh” khi nói đến việc Nga tiến hành các chiến dịch không kích ở Syria. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, một người vốn dành sự yêu mến cho nước Nga, cách đây vài tháng vẫn cho rằng cần tìm ra một phương pháp để hòa giải với Nga. Tuy nhiên, bây giờ ông lại cảnh báo rằng Nga có nguy cơ trở thành một “quốc gia bị ruồng bỏ” do chiến dịch không kích của nước này ở Syria. Điều này cho thấy vấn đề lớn mà điện Kremlin phải đối mặt khi muốn hàn gắn quan hệ với châu Âu.
Nước Nga sẽ làm gì?
Vậy những bước ngoặt trên sẽ có ý nghĩa gì cho tương lai? Theo National Interest, trước tiên nó có thể thúc đẩy Nga nỗ lực hơn nữa trong việc hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục tiến hành dự án đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thứ hai, Tổng thống Putin có thể sẽ sẵn lòng thỏa hiệp với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đảo Kuril, đổi lại phía Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và mở ra triển vọng mới cho sự phát triển của Nga, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông.
Cuối cùng, Moscow cần phải quyết định được rằng nước này sẽ phải có những động thái để hòa giải với châu Âu. Chính quyền của Tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine bằng việc tổ chức các cuộc đàm phán “Normandy” (giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức). Cuộc đàm phán này đã bị hoãn lại hồi đầu năm sau những cáo buộc Kiev tài trợ cho các “hoạt động khủng bố” ở Crimea.
Nga rõ ràng đang trông cậy vào việc có thể khiến châu Âu nhượng bộ một chút trước khi Mỹ có tổng thống mới vào tháng 1-2017. Tuy nhiên, có vẻ như những kêu gọi từ chính quyền Obama về việc giữ nguyên các lệnh cấm vận với Nga vẫn sẽ được thực thi. Nga hiện tại phải nhận thức được rằng liệu nước cờ mới ở châu Á có mang đến chọ nước này quyền điều khiển cuộc chơi trở lại hay không.